Đói ăn vì giá thực phẩm tăng

14/07/2010 03:20 GMT+7

Cuộc khủng hoảng giá thực phẩm nổ ra năm 2008 đến nay vẫn chưa hề chấm dứt. Nó vẫn đang tiếp diễn ở các nước nghèo, đẩy người dân vào cảnh đói ăn, suy dinh dưỡng.

Báo cáo triển vọng thực phẩm của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) báo động: giá thực phẩm thế giới trong những tháng đầu năm 2010 tuy có giảm đáng kể nhờ giá ngũ cốc và đường sụt giảm, nhưng giá thực phẩm toàn cầu hiện vẫn cao hơn 70% so với thời kỳ năm 2002-2004.

Các nhà kinh tế cho biết chỉ số giá thực phẩm FAO (tổng hợp giá ngũ cốc, thịt, sữa và các loại thực phẩm khác ở 90 quốc gia) có giảm do hiện tượng giảm phát hoặc lạm phát yếu ở các nước giàu.

Thế nhưng ở các nước đang phát triển, giá thực phẩm vẫn liên tục tăng trong hai năm qua. Tại một số nước châu Á, giá gạo và bột mì còn cao hơn 20-70% so với mặt bằng năm 2008.

Đắt nên phải... nhịn!

Majeedan Begun, người Pakistan, mẹ của năm đứa con, cho biết một túi bột mì ở thị trấn Multan quê hương mình hiện đắt gấp ba lần so với mức giá hai năm trước đây. Giờ cô không thể mua nổi thịt hoặc trái cây. “Toàn bộ chi tiêu gia đình của tôi đều đổ vào thực phẩm” - Begun than thở.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), ở Mauritania (Bắc Phi) giá gạo tăng gấp ba trong ba tháng đầu năm. Cùng thời điểm đó, giá ngô (bắp) tăng 59% ở Zimbabwe và 57% ở Mozambique.

Tại thành phố Kinshasa thuộc Cộng hòa Congo, Mami Monga, mẹ của năm đứa con, cũng phải trả 25 USD để mua một hộp cá vốn một năm trước đây chỉ 10 USD. Một bao gạo 25kg giờ giá tăng gấp đôi, lên đến 30 USD. “Lúc này, mỗi ngày tôi chỉ đủ tiền mua nổi một nửa số thực phẩm so với giữa năm ngoái” - Monga kể.

Hơn 1 tỉ người đói ăn

Theo khảo sát của FAO, hơn 1 tỉ người đang đói ăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và giá thực phẩm tăng cao trong ba năm qua. Trong số hơn 1 tỉ người này, có 642 triệu người đang sống tại châu Á - Thái Bình Dương, 265 triệu người ở châu Phi, 42 triệu người ở châu Mỹ Latin và vùng Caribê, 15 triệu người tại các nước phát triển. Jacques Diouf, tổng giám đốc FAO, mới đây đã kêu gọi cần có một chính sách an ninh lương thực toàn cầu.

Theo đó, sản xuất lương thực cần tăng thêm 70% ở các nước phát triển và 100% ở các nước đang phát triển nếu thế giới muốn nuôi sống một dân số xấp xỉ 9,1 tỉ người vào năm 2050. Theo một báo cáo của FAO, “cuộc khủng hoảng thực phẩm nghiêm trọng hiện nay là kết quả của 20 năm thiếu đầu tư và buông lơi lĩnh vực nông nghiệp”.

K.T.

Còn Abedi Patelli, một người dân ở Kinshasa, cho biết giá thực phẩm đã tăng vọt khi tỉ giá tiền Congo giảm so với đồng USD. “Khi đồng tiền của chúng tôi tăng giá so với đồng USD thì giá thực phẩm lại chẳng hề giảm mà vẫn đứng im ở mức cao”.

Tại Pakistan, các đảng đối lập đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống tình trạng tăng giá thực phẩm. Ở Ai Cập, giá thịt tăng 50% trong vài tuần qua, người dân đổ ra đường phố Cairo để biểu tình phản đối giá tăng, lương thấp và các vấn đề kinh tế khác.

“Tôi chỉ sợ một buổi sáng, khi thức dậy thì chẳng mua nổi số thực phẩm đủ để nuôi 12 miệng ăn trong gia đình mình” - Aboulella Moussa, nhân viên bảo vệ một chung cư ở Cairo, lo ngại.

Người phát ngôn WFP Greg Barrow cảnh báo các nước nghèo đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm liên tục tăng cao do chi phí vận chuyển cao và thiếu sự cạnh tranh trên thị trường thực phẩm nội địa.

“Giá thực phẩm đã giảm mạnh từ cuối năm 2008 trên thị trường quốc tế, nhưng vẫn giữ ở mức cao tại nhiều nước đang phát triển - ông Barrow nhận định - Và thường sau khi đã tăng thì giá rất khó giảm”.

WFP cho biết do giá tăng, nhiều gia đình ở các nước đang phát triển đã chọn cách ăn ít hoặc chuyển sang ăn các loại thực phẩm rẻ tiền hơn.

“Giá đắt nên chúng tôi phải ăn ít thôi, chẳng còn cách nào khác” - Seema Valmiki, 35 tuổi, đang nuôi ba đứa con ở New Delhi, Ấn Độ, cho biết. Chồng cô là tài xế, mỗi tháng chỉ kiếm được 135 USD.

Valmiki cho biết giờ cô không thể mua thịt, trái cây hoặc cá cho các bữa ăn và cũng không thể mua nổi đồng phục mới, đồ chơi hay một chiếc xe đạp cho các con. “Nếu mua trái cây thì tôi không thể mua được gạo hay rau” - Valmiki buồn bã.

Còn bà Marta Esposito, 45 tuổi, đang nuôi hai con ở Buenos Aires, Argentina, cho biết trước đây mỗi tuần gia đình bà ăn thịt ba lần, “giờ thì may ra mỗi tuần chúng tôi ăn thịt một lần!”. “Cà chua ư, quên đi. Chúng tôi ăn những gì rẻ nhất”.

Các chuyên gia WFP cảnh báo nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, dân nghèo ở các nước đang phát triển sẽ bị suy dinh dưỡng kinh niên.

Hậu quả của chính sách sai lầm

Rất nhiều chính phủ tuyên bố giá thực phẩm đắt đỏ là do hạn hán và giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại vạch rõ chính những chính sách sai lầm đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm, trong khi các nhà cung cấp lại ngấm ngầm cấu kết để đẩy giá tăng lên.

Ở Argentina, diện tích trồng đậu tương được mở rộng hơn 13 triệu ha đất, chiếm diện tích đồng cỏ nuôi gia súc và diện tích trồng bột mì, ngô vốn ít lợi nhuận hơn. Do đó giá thịt, bột mì, ngô tăng vọt ở các siêu thị. Chính quyền Argentina phản ứng lại bằng mức thuế cao, hạn chế xuất khẩu, kiểm soát giá thực phẩm ở siêu thị, trợ cấp cho các nhà sản xuất thực phẩm, tăng lương 30% cho công nhân.

Các biện pháp này đã có những hiệu quả nhất định, nhưng do sự can thiệp của nhà nước, các công ty sản xuất thịt bò đã giảm số lượng đàn bò khiến giá thịt tăng gấp đôi.

Ở Venezuela, tỉ lệ lạm phát lên đến 30,4%, cao vào loại hàng đầu thế giới. Venezuela nhập khẩu phần lớn lượng thực phẩm, và đồng bolivar đã sụt giá mạnh so với đồng USD trong thời gian qua, đẩy giá tăng cao. Riêng trong tháng 4, giá thực phẩm tăng 11% so với tháng trước.

Chính quyền đã áp dụng các biện pháp kiểm soát giá, nhưng các biện pháp này dẫn đến tình trạng thiếu thịt bò, đường, bơ, ngô, buộc chính phủ phải cho phép một số mặt hàng tăng giá 20% trong năm nay.

Ở những nơi khác, giá thực phẩm tăng do diện tích gieo trồng không tăng, trong khi dân số ngày càng bùng nổ. “Khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho mọi người dân Ấn Độ đang ngày càng giảm sút” - chuyên gia Harsh Mander, người được Tòa án tối cao Ấn Độ chỉ định giám sát nạn đói ở quốc gia này, cho biết.

Cuối tháng 6, FAO công bố báo cáo triển vọng nông nghiệp 2010-2019, trong đó dự báo giá thực phẩm thế giới có thể tăng 15-40% trong thập kỷ này.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.