Khánh thi khối A ĐH Bách khoa đạt tổng điểm 29,5 (chưa cộng điểm ưu tiên), với điểm số từng môn Toán, Lý, Hóa lần lượt là 10; 9,5 và 9,75. Ở khối D, Khánh thi ĐH Hà Nội, đạt 22,5 điểm.
Còn Minh Vượng, với tổng điểm hai khối A, B là 59 (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực), hiện đang giữ ngôi quán quân cho thí sinh đạt tổng điểm hai khối thi cao nhất toàn miền Bắc.
Vượng cũng là tân thủ khoa của ĐH Y Hà Nội với số điểm 3 môn thi khối B là Toán 9,5; Hóa 9,75; Sinh 9,5.
Ở khối A, Vượng thi ĐH Ngoại thương, cũng đạt 29,5 điểm (Toán 9,5; Lý 10; Hóa 9,5, điểm ưu tiên 0,5) nhưng không giành được ngôi vị thủ khoa. Thủ khoa của ĐH Ngoại thương là Tăng Văn Bình (Nghệ An), đạt 30 điểm.
Chàng thủ khoa hiền như con gái
Gia cảnh của cả hai thủ khoa này đều khó khăn. Nhà Khánh ở thôn An Cư, xã Trầm Lộng, Ứng Hòa. Cả nhà bốn người trông vào một mẫu ruộng. Tài sản quý giá nhất trong căn nhà cấp 4, nền bê-tông nham nhở, nóng hầm hập trong tiết trời cuối hạ là cái tivi Sanyo đã cũ. Bàn thờ là cái thùng đựng thóc kê giữa nhà. Góc học tập của Khánh là cái bàn con con trong buồng. Không có giá đựng, sách vở được gác lên cái tủ một buồng và thùng tôn dưới chân bàn học.
Bố Khánh bị bệnh, không có khả năng lao động nên mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày đều trông chờ vào mẹ Khánh. Ngoài học tập, cậu thủ khoa có khuôn mặt hiền hiền và nhút nhát quán xuyến việc nhà giúp mẹ. Là con trai út, nhưng những việc như cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Khánh đều rất đảm đang.
Mẹ Khánh - cô Nguyễn Thị Xíu, ngoài làm ruộng, những khi nông nhàn thì đi làm thuê, làm mướn để lấy tiền nuôi con ăn học. Dù thế, cả hai chị em Khánh đều học rất giỏi. Cô chị là Phạm Thị Xuân Đào đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Tiếng Anh thương mại - ĐH Ngoại thương Hà Nội. Nghỉ hè nhưng Đào vẫn đang ở thủ đô đi làm gia sư để lấy tiền trang trải học hành.
Còn Khánh, ngay khi còn nhỏ đã nổi tiếng trong thôn ngoài làng về thành tích học tập vượt trội. Năm lớp 12, Khánh đạt cú đúp giải nhì môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp quốc gia.
Chia sẻ bí quyết để trở thành thủ khoa, Khánh cho hay, không ôn thi tại các “lò” mà chủ yếu tự học, tự giải các đề thi, các dạng bài tập.
“Em tập trung làm thật nhiều dạng bài. Môn Lý và Hóa nhiều lý thuyết thì em giải đề trong sách tham khảo. Còn môn Toán, em giải bài tập trong sách không có đáp án để rèn luyện kỹ năng không phụ thuộc vào đáp án”, Khánh tâm sự.
Vừa học bài vừa trông em
Nhà Vượng bề ngoài có phần khá hơn nhà Khánh. Nhưng cả bố mẹ Vượng vẫn phải “vuốt mồ hôi” mới đủ sức lo cho năm đứa con ăn học.
Vượng là con thứ 3 trong gia đình. Trước Vượng có hai chị gái: một đang học ĐH Bách khoa Hà Nội, một đang học ĐH Sư phạm II trên Vĩnh Phúc. Hai chị đi học xa nhà, Vượng trở thành chị cả của hai đứa em: một vừa học hết lớp 7 và em út mới 3 tuổi.
Bố làm bảo vệ nhưng bị tai nạn hồi sau Tết, ở nhà dưỡng bệnh từ đó đến giờ. Cả bảy miệng ăn trông vào hơn mẫu ruộng quanh năm làm chỉ đủ ăn. Đây cũng là lý do, gần sát ngày lên Hà Nội làm thủ tục thi đại học, Vượng vẫn phải cùng mẹ và chị ra đồng cấy lúa.
Mẹ Vượng, cô Phạm Thị Lan tâm sự: “Nhà nghèo, lại neo người nên cháu Vượng hay phải nghỉ học để ở nhà làm việc nhà và trông em. Học kỳ 2 năm lớp 12, trong khi các bạn có thời gian ôn tập thì có nhiều lần cháu vẫn phải xin nghỉ ở nhà”.
|
Mơ ước trở thành bác sĩ, Vượng chia sẻ có nguyện vọng vào học ĐH Y. “Nhưng nhà em nghèo, không có tiền nuôi em những sáu năm ăn học, nên em đang phân vân không biết nên chọn trường nào”, chia tay chúng tôi, Vượng buồn buồn cho biết.
Cười xòa khi chúng tôi hỏi về bí quyết học giỏi, Vượng cho hay, nhóm bạn học của cô có năm người thì tất cả đều giành điểm cao trong kỳ thi vừa qua, nhưng không ai có bí quyết gì.
“Những ngày sát thi, cả nhóm hay tập trung học tại nhà em để củng cố, hệ thống lại kiến thức cho em”, Vượng kể.
Trần Đan - Lê Quân
(thực hiện)
Bình luận (0)