|
Nhu cầu bức thiết
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An liên tục tăng cao. Theo thống kê ở 3 tỉnh này, nông dân đang sử dụng hơn 6 triệu bóng đèn tròn sợi đốt loại 60 W để chiếu sáng kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ, tạo nên áp lực lớn trong ổn định cung cấp điện, tiêu hao nhiều điện năng và làm giảm lợi nhuận của nông dân do chi phí tăng cao.
|
Trước tình hình này, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tập trung đầu tư xây dựng và lắp đặt nhiều đường dây, trạm 110 kV, đồng thời mở rộng tăng cường lưới điện 22 kV để cung cấp điện cho khu vực trồng thanh long nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước với gần 21.000 ha, ngành điện đã phải thực hiện biện pháp tiết giảm 50% công suất mới bảo đảm nguồn cung cho bà con nông dân. Tương tự, tại Long An và Tiền Giang, tình hình cung cấp điện ổn định cho các khu vực trồng thanh long cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi nhu cầu sử dụng của người dân quá lớn.
Việc triển khai hỗ trợ người trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện đang là yêu cầu bức thiết và mang ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn. Đặc biệt, theo EVN SPC, kết quả thử nghiệm cho thấy đèn compact tiết kiệm 75% điện năng so với đèn sợi đốt, tỷ lệ cây thanh long ra hoa đạt từ 70 - 90%. Sử dụng bóng đèn compact bền hơn 4 lần và tiết kiệm được 2/3 lượng điện so với bóng đèn dây tóc, giảm chi phí đầu tư, ít bị hư hỏng. Tỷ lệ ra hoa của thanh long khi dùng 2 loại bóng đèn trên tương đương nhau.
Tiết kiệm tiền tỉ
Chương trình hỗ trợ 2 triệu bóng đèn compact tiết kiệm điện cho nông dân trồng thanh long nằm trong chuỗi hoạt động thuộc đề án “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện giai đoạn 2014 - 2015” để hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ. Tổng số tiền tài trợ của chương trình khoảng 20 tỉ đồng, bao gồm: hỗ trợ cho nông dân trồng thanh long thu hồi bóng đèn sợi đốt là 4.000 đồng/bóng, vật tư đấu nối an toàn là 3.000 đồng/bóng; chi phí tuyên truyền, quảng bá, thu hồi, tiêu hủy và nhân công lắp đặt thay thế đèn là 3.000 đồng/bóng. Ngoài ra, nông dân tham gia chương trình đổi đèn trên còn được các nhà cung cấp bóng đèn tiết kiệm điện giảm giá bán tối thiểu là 10% so với giá bán lẻ thực tế đối với trường hợp thanh toán chậm từ 3 - 6 tháng, hoặc giảm 15% đối với trường hợp trả tiền ngay khi mua bóng đèn.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết chương trình giúp cho các hộ nông dân trồng thanh long giảm chi phí sản xuất mỗi năm khoảng 53 triệu kWh, tương đương 80 tỉ đồng tiền điện; đồng thời giảm áp lực đầu tư hệ thống điện tại khu vực miền Nam, giãn tiến độ đầu tư công trình điện, tăng khả năng ổn định cung cấp điện…
Theo ông Nguyễn Tấn Lân, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, nếu sử dụng đèn compact cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn, mỗi năm tiết kiệm 170,2 triệu kWh, tương đương 230 tỉ đồng. Tương tự, tỉnh Long An với diện tích thanh long khoảng 2.000 ha và Tiền Giang khoảng 2.500 ha, nếu sử dụng đèn compact thay đèn tròn thì nông dân 2 tỉnh này sẽ tiết kiệm hơn 50 tỉ đồng/năm.
Đình Tuyển - Đình Hoàng
Bình luận (0)