Đổi CMND thành thẻ căn cước: Để phục vụ nhân dân chứ không phải quản lý nhân dân

08/07/2014 15:20 GMT+7

(TNO) Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc thay đổi CMND thành thẻ căn cước công dân sẽ thay đổi nhiều loại giấy tờ, tốn kém nhưng đó sẽ là một cuộc cách mạng đem lại nhiều lợi ích.

(TNO) Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc thay đổi chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân sẽ thay đổi nhiều loại giấy tờ, tốn kém nhưng đó sẽ là một cuộc cách mạng đem lại nhiều lợi ích.

>> Ủng hộ việc cấp thẻ căn cước
>> Có căn cước, bỏ khai sinh ?
>> Không nên cấp ‘Căn cước’?
>> Cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi chào đời
>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu

 chứng minh thư nhân dân
Nhiều ý kiến trái chiều về giữ hay đổi tên CMND sang thẻ căn cước công dân - Ảnh: Thái Sơn

Tại cuộc Hội thảo Dự án Luật Căn cước công dân do Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tổ chức sáng ngày 8.7 đã có nhiều ý kiến quan điểm trái ngược nhau về việc giữ hay đổi tên chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ căn cước công dân; CMND có thay thế được giấy khai sinh; tính khả thi của dự án luật…

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, nếu thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến từng hộ, từng người dân, làm phức tạp xã hội, lãng phí chưa thể tính hết được, và đề nghị nên sử dụng tên gọi cũ.

Thượng tá Vũ Thanh Chương, Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng cho biết, CMND và giấy khai sinh có trường thông tin giống nhau và đang thuộc thẩm quyền cấp của công an và tư pháp: “Thực tế tại địa phương, chúng tôi thấy rằng khi cấp CMND mới 12 số thì không cần phải cấp giấy khai sinh nữa. Thay vào đó khi cấp CMND loại dùng cho người từ khi sinh ra tới đủ 14 tuổi nên có màu sắc hoặc ký hiệu riêng để phân biệt với CMND sau 14 tuổi. Đến khi đủ 14 tuổi sẽ đổi CMND với đầy đủ thông tin thể hiện theo quy định”, ông Chương nói.

Theo thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, kinh phí thực hiện dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư tốn khoảng 3.670 tỉ đồng. Khoản tiền này dùng đầu tư phần cứng, cài đặt trung tâm quốc gia, các tỉnh thành phố và hệ thống vi tính xuống tới xã phường thị trấn, đào tạo chuyển giao công nghệ và phần mềm, đường truyền. Nếu Dự án luật căn cước công dân được Quốc hội thông qua nhưng vẫn để tên là CMND thì không phải đầu tư thêm tiền.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Cải cách hành chính (Bộ Tư pháp), giấy khai sinh nằm trong điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, nếu bỏ giấy khai sinh là bỏ quyền được khai sinh của trẻ em.

Ông Phan cũng cho rằng giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân hiện có nhiều điểm chưa rõ, trong đó cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư còn bề bộn, chưa rõ thời điểm cấp số định danh cá nhân.

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng CMND mới 12 số hay thẻ căn cước được Quốc hội, Chính phủ kỳ vọng thay thế cho nhiều loại giấy tờ nhưng trong vòng hàng chục năm tới chưa thể thực hiện được khi dữ liệu, đường truyền và công nghệ thông tin chưa thể bảo đảm đến từng địa phương.

Ông Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng không thể giữ lại tên CMND khi luật là Luật Căn cước công dân. “Cả thế giới người ta gọi là thẻ công dân, có số định danh cá nhân thì chúng ta cũng phải tiến tới để hòa nhập”, ông Nhã nói và cho rằng kết luận của Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 7 nói rõ, nếu cần đầu tư ngân sách thì phải tập trung đầu tư dứt điểm.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết Luật Căn cước công dân phải mang tính cách mạng, đột phá lớn trong lĩnh vực cải cách hành chính đối với quản lý dân cư, đáp ứng được yêu cầu quyền con người, quyền công dân. “Đã là cuộc cách mạng sẽ vướng tư tưởng, nhận thức còn bảo thủ, trì trệ. Tư tưởng đổi mới là vấn đề hết sức lớn, muốn hiện thực hóa thì phải có cơ sở, chính trị, pháp lý, khoa học, thực tiễn để giải thích cho người dân, Quốc hội tạo sự đồng thuận. Tư tưởng là để phục vụ nhân dân chứ không phải quản lý nhân dân, không để thuận lợi cho chúng ta mà đẩy khó khăn cho người dân. Thủ tục hành chính là mục tiêu cao nhất trong việc đổi mới quản lý nhà nước hiện nay”, ông Khoa nói.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.