Đời còn nhiều đường

03/08/2014 03:00 GMT+7

Đoạn phim ý nghĩa này là lời động viên dành cho những thí sinh thất bại trong kỳ thi đại học vừa qua.

Đoạn phim ý nghĩa này là lời động viên dành cho những thí sinh thất bại trong kỳ thi đại học vừa qua.

Đời còn nhiều đường 1

Bài học từ bút chì và cây cầu

Trượt đại học - Đời còn nhiều đường kể về Ken, chàng trai vừa thi rớt đại học (ĐH). Suốt ngày Ken nhốt mình trong phòng tự hành hạ bản thân, chẳng màng ăn uống.

Khi được anh trai (thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đóng vai) kể chuyện cây bút chì thường viết trên giấy, khi đem viết trên những chất liệu không phù hợp như: đất sắt, gốm cứng sẽ bị gãy. Nhưng khi gãy không có nghĩa là vứt đi, vì có thể chuốt lại và sử dụng được.

Ken chợt hiểu ra con người cũng thế, thất bại trong kỳ thi không có nghĩa là vô dụng. Sở dĩ không đậu ĐH vì mình đặt mục tiêu hơi cao so với khả năng. Cần có quyết định vừa sức mình, cần chuốt lại bản thân để lần sau thành công.

Tương tự, khi đứng giữa một con sông, bên kia bờ là thành công. Để qua được bờ bên kia có rất nhiều cách: không bằng cầu này thì bằng cầu khác, có thể đi thuyền, hoặc mặc áo phao bơi qua… Ken nghe thấy và thư thái hẳn lên, thay cho tâm trạng bất an, trằn trọc suốt thời gian qua.

Đoạn phim còn kể về Nhật, cũng vì thất bại trong kỳ thi ĐH đã tìm đến cái chết. Nhật cho rằng bản thân đã mất tất cả, rồi đây sẽ bị gia đình, người yêu, bạn bè, xã hội khinh thường. Nhưng khi được khuyên bảo, bạn nhận ra vẫn còn cha mẹ, anh chị, vẫn còn rất nhiều thứ trong đời, đặc biệt là còn tương lai phía trước, cũng như hiểu nếu chọn cái chết thì cũng không ý nghĩa gì. Nhật quyết tâm làm lại cuộc đời…  

Đời còn nhiều đường 2

Đời còn nhiều đường 3
Đừng vì thi rớt mà giam mình trong phòng, bế tắc… mà phải đứng lên tìm con đường  khác dẫn đến thành công - Ảnh: Youtube

Dân mạng đồng cảm

Không chỉ thu hút trên 208.000 lượt xem trên YouTube, Trượt đại học - Đời còn nhiều đường được chia sẻ trên khắp các diễn đàn học sinh, sinh viên, nhiều mạng xã hội, và nhận được sự đồng cảm của dân mạng, đặc biệt là những ai đã trải qua kỳ thi ĐH.

“Tôi đã thấy bản thân mình trong đó. Những gì nhân vật trải qua là những gì tôi từng trải. Thi rớt, nghe những tiếng thở dài của ba mẹ, những câu nói bâng quơ so sánh mình với con người ta, rồi không khí gia đình ngột ngạt, có cảm giác mình là tội đồ. Khi đó, chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời”, Thảo Nhi bình luận trên YouTube.

Nhiều bình luận trên các trang: thpt-tenloman.edu.vn, viettelstudy.vn, YuMe.vn... cho biết đây là đoạn phim vô cùng ý nghĩa, nhất là trong thời điểm các trường thông báo kết quả thi. “Cảm ơn những người thực hiện đã tiếp cho em thêm sức mạnh sau thất bại này”, Quỳnh Nguyễn viết trên YuMe.

Hay “Xem đoạn phim em đã không còn tự ti nữa. Em sẽ gượng dậy sau lần lỡ hẹn với giảng đường ĐH. Đúng, rớt ĐH không phải là mất tất cả, còn rất nhiều con đường phía trước”, Thành Trần chia sẻ trên Facebook.

Trò chuyện với Thanh Niên, biên kịch phim, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, cho biết tháng 8 là thời điểm hàng trăm ngàn thí sinh vui sướng cầm trên tay giấy báo trúng tuyển nhưng cũng là lúc hàng trăm ngàn sĩ tử khác rơi vào trong cái hố sâu của sự tuyệt vọng vì thi trượt. Vậy nên hy vọng đoạn phim sẽ là một lời động viên tinh thần cho những bạn nào thi trượt.

“Thi trượt không có nghĩa là cùng đường, mà mình phải đứng lên tìm con đường khác. Ngồi than khóc không giải quyết được gì khi kết quả đã là quá khứ. Đừng chăm chú vào thất bại và thổi phồng những u ám, nghĩ rằng đã mất hết tất cả. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, mà sống thì tất yếu phải có gió ngược. Đừng bật rễ một cách dễ dàng, sống yếu ớt và chọn cái chết hèn nhát. Thay vào đó phải đứng lên và nỗ lực gấp đôi người khác”, thạc sĩ Hiếu nói.

Thạc sĩ Hiếu khuyên các bạn hãy lập kế hoạch thay đổi tương lai bằng những cách như: tìm thông tin cho xét tuyển; có thể học nghề và tự lập nghiệp; tìm học các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo nghề… Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng đừng vì sĩ diện với hàng xóm khi con thi rớt mà dìm sâu con mình vào trong hố sâu của sự tuyệt vọng, hàng xóm không sống giùm con của mình. Nếu con thi trượt, thay vì mắng nhiếc, chì chiết, đây chính là giai đoạn cần sự động viên an ủi của gia đình. 

Bình luận

“Hoàn toàn đồng ý với đoạn phim. Rất rất nhiều con đường dẫn đến thành công, chứ đừng nghĩ rằng chỉ có duy nhất con đường đại học”. (Hải Ngô/ YouTube)

“Đừng vì một lần vấp ngã mà bỏ cả con đường dài phía trước nhé các thí sinh. (Thảo Phạm/Facebook)

“Đoạn phim hay và ý nghĩa lắm. Ước gì quý phụ huynh xem được đoạn phim này”. (Thai Kenny/YouTube)

“Thi rớt, chạm vào lòng tự ái, niềm kêu hãnh và cái tôi quá lớn, dẫn đến nhiều cách hành xử không đúng. Hãy theo lời khuyên của thông điệp đoạn phim. Vì đời còn dài và tương lai rộng mở”. (Trung Tân/Facebook)

Nhật Hạ

>> Rớt đại học sao không vào cao đẳng ?
>> Rớt đại học, học ở đâu?
>> Đừng nản lòng nếu rớt đại học
>> Rớt đại học xin đừng nản!  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.