Như Thanh Niên thông tin, theo dự thảo đề án gửi Bộ TN-MT, TP.HCM xin T.Ư cho phép thực hiện thí điểm trước 3 dự án lớn tại TP.Thủ Đức gồm: dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, dự án Công viên khoa học và công nghệ TP.HCM, và dự án Khu công viên - hồ điều tiết - khu dân cư Tam Phú.
Tại 3 dự án này, TP.HCM đều đề xuất tỷ lệ hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng là 10%, 12% và 15%. Nghĩa là cứ 1.000 m2 đất nông nghiệp, người dân được hoán đổi 100 - 150 m2 đất ở đã hoàn chỉnh hạ tầng. Theo các tỷ lệ quy đổi này sẽ tương ứng với diện tích xây dựng khu tái định cư của 3 dự án trên lần lượt là hơn 32,7 ha, 38,4 ha và 46,9 ha. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án dự kiến lần lượt là hơn 1.388 tỉ đồng, hơn 1.482 tỉ đồng và hơn 1.623 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho biết, nếu được chấp thuận, trước mắt TP sẽ áp dụng thí điểm tại các dự án trọng điểm, cấp bách. Cùng với đó là các dự án phục vụ cho việc thu hồi đất dọc hai bên các tuyến đường vành đai, cao tốc, tạo quỹ đất đấu giá phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.
"Qua phân tích nhiều dự án đã triển khai, tỷ lệ bồi thường bằng tiền giữa đất nông nghiệp và đất ở trong cùng dự án phổ biến là 10 - 17%. Tuy nhiên, khi người dân nhận tiền bồi thường đất nông nghiệp thì với số tiền đó, khả năng mua lại được đất ở tại vị trí tương đương là rất thấp. Nếu được quy đổi sang đất ở đã được hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật với tỷ lệ phù hợp (được tái định cư tại chỗ) thì đảm bảo được tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất. Ưu điểm của phương thức này là giảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ; tỷ lệ đồng thuận của người dân cao hơn, rút ngắn được thời gian thu hồi mặt bằng, tái định cư tại chỗ, giảm thiểu tối đa khiếu nại, khiếu kiện…", vị này nhấn mạnh.
Nên sớm triển khai
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng đề xuất trên là rất hay. "Tôi ủng hộ phương án này. Vì người nông dân chỉ có mảnh đất nhà nước giao cho để sản xuất kiếm sống, đã gắn bó mật thiết với mảnh đất của mình. Giờ vì lợi ích của quốc gia mà phải chuyển sang mục đích khác, nếu bù lại cho họ theo phương thức này thì quá tốt", BĐ Hoàng Nguyên ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Lê Sang nhận định hình thức này có thể sẽ nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân, đồng thời rút ngắn được thời gian thu hồi mặt bằng. "Bây giờ đền bù đôi khi không như thỏa thuận đâm ra dẫn đến khiếu kiện, rồi lại kéo dài thời gian triển khai dự án. Nên sớm đưa phương thức này vào thực hiện ngay và luôn", BĐ này ý kiến thêm.
Thực hiện đổi đất nông nghiệp lấy đất ở như thế nào?
Còn BĐ Thanh Tam viết: "Ngay các dự án khu dân cư, nếu chủ đầu tư hoán đổi đất nông nghiệp với đất ở cũng giúp quyền lợi của chủ đất nhiều hơn mà lại giảm rủi ro cho chủ đầu tư: giảm chi phí đầu tư bồi thường đất, giải quyết được một phần đầu ra cho chính chủ đất…".
"Rất cần những chính sách có thể dung hòa lợi ích của nhà nước và người dân như thế này. Mong cơ quan chức năng cân nhắc thêm về tỷ lệ hoán đổi theo hướng có lợi cho người dân và đề xuất sớm được xem xét thông qua đưa vào áp dụng thực tế, đừng để tình trạng bồi thường gây tranh cãi hiện nay xảy ra quá nhiều", BĐ Văn Cường mong mỏi.
Thủ tục cần nhanh gọn
Không chỉ ủng hộ đề xuất của TP.HCM, BĐ Trà Võ còn đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng xem xét thông qua và sớm áp dụng vào thực tế với các thủ tục nhanh gọn nhất. "Việc nào tốt cho người dân thì cứ làm. Hình thức này sẽ phần nào giảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong khi tỷ lệ đồng thuận của người dân cao hơn. Quan trọng hơn hết vẫn là thủ tục thế nào. Chứ nếu chuyển đổi mà thủ tục quá rườm rà thì người dân cũng mệt mỏi", BĐ này ý kiến thêm.
Tương tự, BĐ Hữu Toàn viết: "Cá nhân tôi thấy khá hợp lý, vì phần nào sẽ giảm được chi phí đền bù cũng như bớt tranh cãi, khiếu kiện hơn. Phương án này nên đưa vào thực hiện nhưng cần cân nhắc về thủ tục pháp lý".
"Quan trọng hơn hết vẫn là thủ tục thế nào, đừng quá rườm rà vì như vậy khác nào đang làm khó người dân. Trong khi việc quy hoạch, đền bù đang là vấn đề nan giải hiện nay thì đề xuất này là một phương hướng để xử lý, vừa làm hài lòng người dân, vừa giúp quá trình quy hoạch suôn sẻ hơn", BĐ Phan Nhân ý kiến.
* Việc khiếu kiện về đền bù giải tỏa là một trong những vấn đề nóng của cả nước thời gian qua. Nếu đề xuất này sớm được thông qua với tỷ lệ hoán đổi phù hợp, tôi nghĩ người dân sẽ đồng thuận cao, tình trạng khiếu kiện qua đó cũng sẽ giảm nhiều.
Đông Ly
* Gia đình tôi từng bất bình vì những mức bồi thường không hợp lý. Giá như những quy định này được ban hành sớm hơn và áp dụng đại trà thì hay biết bao nhiêu, vừa đỡ tốn thời gian của nhà nước mà người dân cũng có những khoản đền bù phù hợp.
Nguyễn Thiện
Bình luận (0)