Kết quả này được Đội điều tra chung (JIT) công bố hôm nay 28.9 tại thành phố Nieuwegein (Hà Lan) với gia đình các nạn nhân của vụ thảm kịch hàng không MH17 xảy ra hồi năm 2014, trước khi công bố cho giới truyền thông, theo Radio Free Europe dẫn nguồn từ gia đình các nạn nhân.
Phát biểu với Radio Free Europe sau khi gặp riêng với các giới chức của JIT, Robbie Oehlers, người mất một người thân và Piet Ploeg, người mất một người anh trong vụ máy bay MH17, nói rằng JIT cũng đã xác định hệ thống tên lửa phòng không BUK đã được đưa lậu vào Ukraine từ lãnh thổ Nga và sau đó được đưa từ Ukraine trở lại Nga ngay sau khi MH17 bị bắn rơi.
Máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine trong khi đang bay từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur ngày 17.7.2014, khiến tất cả 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Trong khi đó Reuters cũng dẫn nguồn tin tương tự cho biết các nhà điều tra đã xác định được 100 nghi phạm có liên quan đến vụ bắn hạ máy bay MH17. Tuy nhiên, không thấy Reuters đề cập những nghi phạm đó gồm có những ai.
|
Kết quả của JIT không khác so với báo cáo trước đó của Cơ quan an toàn Hà Lan cũng nhận định MH17 bị tên lửa BUK do Nga chế tạo bắn rơi.
Nga phủ nhận các cáo buộc, nói rằng Moscow không cung cấp tên lửa BUK cho lực lượng đòi ly khai ở miền đông Ukraine, lực lượng mà Moscoww ủng hộ; thay vào đó khẳng định MH17 bị bắn hạ bởi quân chính phủ Ukraine.
Vài ngày trước, Nga cố giải thích về thảm họa MH17 theo một hướng khác. Tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm 26.9, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng điều tra của JIT "theo hướng sai lầm".
tin liên quan
Hôm nay 28.9 công bố kết quả điều tra nguyên nhân rơi máy bay MH17Ngày 28.9, đội điều tra quốc tế dự kiến công bố kết quả điều tra vụ bắn rơi máy bay MH17 làm 298 người chết. Giữa lúc phương Tây quy trách nhiệm cho Nga, Nga vừa công bố dữ liệu mới cho rằng Ukraine là thủ phạm.
Moscow đưa ra những chứng cứ "mới" từ dữ liệu radar và nói rằng MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa từ lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát, theo RT. Trước đó Nga nói có bằng chứng rằng máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine đã bắn rơi MH17.
JIT làm việc với tổ chức phi chính phủ Bellingcat (Anh), sử dụng mã nguồn thông tin trực tuyến mở như mạng xã hội để theo dõi sự di chuyển của hệ thống tên lửa BUK từ thành phố Kursk của Nga đến làng Snizhne của Ukraine trong những ngày trước khi MH17 bị bắn rơi, và theo dõi sự di chuyển tương tự của BUK khi quay trở về Nga sau đó.
|
Bellingcat đã cung cấp cho JIT hồ sơ xác định khoảng 100 nhân viên quân sự Nga, những người có thể đã tham gia vào vụ bắn rơi MH17.
Tham gia vào JIT có đại diện của các nước có nạn nhân của thảm kịch MH17 gồm Hà Lan (chịu trách nhiệm chính), Úc, Malaysia và Bỉ, cùng sự hợp tác của Ukraine. Mục đích của JIT là tìm ra các bằng chứng để dựa vào đó có thể truy tố hình sự các thủ phạm.
Bình luận (0)