Mới đây, một nữ du khách đứng chụp hình gần bậc lên xuống của tháp Trầm Hương (Nha Trang, Khánh Hòa) bị té xuống sân quảng trường 2 - 4 và tử vong tại chỗ. Trước đây cũng có rất nhiều sự vụ khác của người trẻ chỉ vì mê chụp hình mà không để ý đến địa hình nguy hiểm dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.
Dịp lễ Giỗ tổ, 30.4 và 1.5 sắp đến, người trẻ đi du lịch cần cẩn trọng hơn với những mối nguy dễ gặp phải khi quá mê chụp hình sống ảo.
MỐI NGUY LUÔN RÌNH RẬP
Tây Bắc được nhắc đến như "miền đất hứa" với những phượt thủ trẻ. Nhưng địa hình nơi đây hiểm trở, với nhiều đỉnh núi cao, vách đá lởm chởm và những vực sâu hun hút. Mỏm đá "tử thần" ở Hà Giang là một điển hình. Nơi đây được mệnh danh là nơi nguy hiểm với nhiều người trẻ khi cố leo lên mỏm đá nhô ra xa để có những bức ảnh đẹp.
Từng phượt đến Tây Bắc nhiều lần, Nguyễn Trinh Thùy (33 tuổi), đang làm nhân viên chăm sóc khách hàng một hãng ô tô ở Q.7, TP.HCM, cho biết chuyện những bạn trẻ đi phượt leo lên mỏm đá chụp ảnh diễn ra thường xuyên. Không ít lần Thùy thấy tận mắt các bạn trẻ bất chấp chụp ảnh. Tuy vậy, cô cũng thừa nhận đó là tâm lý chung của những người mới đi phượt. Thông thường khi mới đi phượt người trẻ sẽ rất thích chụp cảnh quan hùng vĩ, muốn lấy trọn góc ảnh những nơi đang "sốt" chỉ với mục đích là đăng hình khoe lên mạng.
Thùy thừa nhận bản thân từng có một kỷ niệm thoát chết nhớ đời. Đó là lần đầu tiên đi Mộc Châu, vì mải mê chụp ảnh, tin tưởng vào "chị Google" mà leo đèo, không tìm hiểu thông tin đường đi. Sau đó bị lạc đường ở các con đường mòn, đèo dốc hiểm trở rồi bị trượt chân ngã xuống. Tuy nhiên, nhờ bạn đồng hành nhanh trí, lấy thân mình cản lại nên mới không rơi xuống vực sâu.
Sau lần đó, Thùy luôn nhắc nhở bản thân và bạn bè phải cẩn thận hơn. Đánh giá đúng địa hình từng nơi mới bước tiếp. Tránh các trường hợp vì bắt chước các góc ảnh trên mạng mà phải đánh đổi cho bằng được.
Trương Khắc Lương, hướng dẫn viên Công ty du lịch Điện Biên, cho biết những rủi ro tiềm ẩn khi phượt vùng đồi núi là có thật. Lương khuyên: "Chỉ cần bản thân luôn thận trọng, đề cao cảnh giác. Chụp hình nên lưu ý chọn những vị trí an toàn, tránh những vị trí không chắc chắn, dễ sạt lở, trượt, hay có đá rơi".
Huỳnh Quốc Huy, một hướng dẫn viên chuyên về du lịch trải nghiệm , làm việc tại Công ty Golden Smile Travel, cho biết du lịch trải nghiệm là cơ hội để khám phá thế giới xã hội xung quanh, trải nghiệm cuộc sống, nhưng bạn trẻ cần xác định được giới hạn an toàn của việc sống ảo và đó là ý thức của mỗi người.
"Không nên quá theo "trend check-in" tại những điểm sống ảo nguy hiểm, hay những video dạng thách thức mọi giới hạn khám phá... Tránh đứng bên bờ vực, nơi địa chất yếu mà bản thân không chắc chắn, những sườn đồi trọc có đá lởm chởm là nơi thường có đá rơi. Hoặc các mỏm đá nhô cao, vươn ra xa cũng chưa chắc đã là an toàn", Huy khuyên.
Huy cũng chỉ ra thêm: "Không nên chụp sát mép các thác nước bởi rong rêu bám lâu ngày dễ làm trượt chân. Trước khi đi cần tham khảo thật kỹ nơi đến, nếu có hướng dẫn viên thì phải nghe theo hướng dẫn tuyệt đối của họ, không nên tìm cách tách đoàn để chụp ảnh riêng".
ĐỪNG ĐỂ TRẢ GIÁ ĐẮT VÌ MÊ CHỤP CẢNH ĐẸP
Là người có "thâm niên" phượt ở các vùng núi cao, hiểm trở, Nguyễn Thị Xuân (33 tuổi), nhân viên kế toán làm việc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, kể về một tai nạn nhớ đời cũng chỉ vì mê chụp ảnh khi đi phượt: "Lần đó tôi đi xe máy trên đèo Hải Vân, do mải mê ngắm cảnh vịnh Lăng Cô, mây mờ nên vừa chạy xe vừa buông tay để chụp hình. Thế là tôi bị té, chiếc xe đè lên người, máu chảy ướt hết giày, được người dân sơ cấp cứu. Chưa dừng lại, tôi vẫn mê chụp hình và đi tiếp đến khi phát hiện đau ở phần chân, máu chảy dài cả đoạn đường mới hoảng hồn. Sau đó tôi lại nhờ người dân mua thuốc rồi quay về không đi nữa".
Chuyến đi đó làm Xuân nhớ mãi và không dám có lần thứ hai bất cẩn như vậy. Do vậy, với Xuân, đi phượt phải đặt an toàn lên trên hết và đừng vì những bức ảnh đẹp mà bất chấp vì mọi thứ luôn xảy ra rất bất ngờ.
Đang là một nhiếp ảnh tự do, từng đi phượt để chụp ảnh phong cảnh nhiều nơi, Lê Hoàng Long (27 tuổi, ngụ chung cư Lavita Charm, TP.Thủ Đức) cho biết để an toàn thì trước hết nên chọn thời điểm chụp vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều vì lúc đó sẽ có ảnh đẹp, tránh chụp ảnh khi mưa vì dễ trơn trượt.
Theo Long nên chọn ống kính vừa đủ tiêu cự để tiện di chuyển, tránh mang vác cồng kềnh gây mỏi vai. Nên tránh chụp ảnh những nơi xe đông đúc gây cản trở việc lưu thông của xe khác. Không nên vừa chạy xe vừa quay phim, chụp ảnh vì rất nguy hiểm. Cũng như không nên chọn vị trí sát mỏm hoặc vách núi. Nếu có drone (flycam) thì nên dùng drone chụp cho an toàn và có được những góc chụp hoặc quay siêu đẹp. Cuối cùng, cần giữ khoảng cách an toàn và tư thế phòng thủ khi có gió mạnh lúc chụp hình trên cao.
Bình luận (0)