Mới đầu năm nhưng ngành y tế đang lo chống chọi với hai loại bệnh dịch, đó là sự quay lại của cúm A/H5N1 và bệnh viêm não mô cầu.
|
Cúm A/H5N1 trở lại
Bệnh cúm A/H5N1 đang quay trở lại, và nguy cơ diễn biến phức tạp sau 20 tháng không có ca mắc. Cúm A/H5N1 vẫn là cúm có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao... |
||
TS-BS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư |
||
Theo ông Hiển, nếu tính từ đầu vụ dịch của cúm A/H5N1 xảy ra trong nước (năm 2003), đến nay cả nước ghi nhận có 121 ca mắc, trong đó 61 ca tử vong, như vậy tỷ lệ tử vong do H5N1 lên đến 50%. Riêng trong năm 2012 thì tỷ lệ tử vong lên đến 100%.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - một trong hai nơi tiếp nhận điều trị cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 cho bệnh nhi ở TP) cho rằng: “Thực tế vi rút cúm A/H5N1 vẫn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ trong gia súc gia cầm. Nhưng vì, suốt một thời gian dài trong nước không xảy ra ca mắc, nên nhiều người thờ ơ với chúng. Cụ thể, trước đây khi đang có dịch, phần lớn người dân không dám ăn gà chết, gà bệnh; và thường khai báo khi gà mắc bệnh, thì nay do lơ là, xem thường những yếu tố đó, không tiêm ngừa cho gà, vịt... nên bệnh quay trở lại khi có môi trường thuận lợi. Ngoài ra, thời tiết lạnh năm nay cũng là yếu tố thuận lợi cho vi rút cúm A/H5N1 tấn công lên gà, vịt, từ đó tấn công đến người”.
Viêm não mô cầu dễ thành dịch
Viêm não mô cầu hiện đang xảy ra ở nhiều nơi, trong đó nhiều nhất là TP.HCM. Theo các chuyên gia y tế, đây là bệnh có tỷ lệ người lành mang trùng cao (với khoảng 35%). Khi sức đề kháng cơ thể yếu là thời điểm thuận lợi cho vi khuẩn mạnh lên và gây bệnh này.
Ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Thanh Hóa Theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại một số hộ chăn nuôi tại hai thôn Phúc Hải và Đỗ Xá (thuộc xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn). Nhiều gia cầm tại đây bỗng nhiên chết hàng loạt trong những ngày đầu tháng 2. Trước đó (nửa cuối tháng 1) tại địa bàn này cũng xảy ra một đợt dịch khiến gần 300 con gia cầm tại đây bệnh chết. Trước tình hình trên, Cục Thú y vừa cấp 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm để tỉnh Thanh Hóa chống dịch. Tỉnh này cũng đang khử trùng, dập dịch... |
So với cúm A/H5N1 thì mức độ nguy hiểm của viêm não mô cầu nhẹ hơn, hầu hết những ca mắc bệnh sau vài ngày điều trị đều khỏi bệnh. “Vi trùng gây bệnh viêm não mô cầu thường rất nhạy với thuốc kháng sinh, nên dễ điều trị, chỉ cần phát hiện bệnh sớm. Cũng có trường hợp nặng dẫn đến nhiễm trùng máu, viêm màng não, nhưng rất ít”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, vi trùng gây viêm não mô cầu thường cư trú tại vùng mũi họng của người bệnh, đáng ngại là bệnh có thể gây thành dịch.
Khẩn trương phòng chống
Ông Nguyễn Trần Hiển cho biết: “Chúng tôi vẫn hợp tác với Trung tâm kiểm soát bệnh dịch Mỹ - CDC nghiên cứu về vi rút cúm. Riêng với cúm A/H5N1 có ghi nhận sự biến đổi so với đầu vụ dịch, nhưng sự biến đổi này chưa đến mức trở thành một chủng mới. Nhưng chúng ta cần theo sát “bước tiến” của chúng để biết được chủng vi rút biến đổi ở mức độ nào, để có được những cảnh báo kịp thời”.
Cơ chế lây nhiễm bệnh cúm A/H5N1 hiện vẫn là vi rút từ gia cầm, thủy cầm lây sang người qua tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết. Và, cả hai ca tử vong do cúm A/H5N1 nói trên đều có tiếp xúc với gà, vịt trước đó. Do vậy, TS-BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo người dân: “Không ăn, không giết mổ gia cầm thủy cầm bệnh. Khi có ho, sốt, nhất là ở những người có tiếp xúc với gia cầm bệnh cần thông báo kịp thời với cơ quan y tế”.
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, dấu hiệu để phát hiện bệnh viêm não mô cầu là sốt, ho, nhức đầu, lừ đừ. Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời thì thường bệnh nhẹ, mau khỏi.
Thanh Tùng - LIên Châu
Bình luận (0)