Đối mặt với đói, rét

07/11/2009 01:22 GMT+7

Dù nước đã dần rút nhưng nhiều nơi ở vùng bão lũ vẫn bị cô lập, mấy ngày qua thức ăn của nhiều người chỉ có mì tôm và bánh tráng...

Buôn làng chới với

Tại thị xã Ayun Pa, các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa (thuộc vùng đông nam tỉnh Gia Lai), vào thời điểm đỉnh lũ, hơn 60 buôn làng với trên 5.000 hộ dân bị nước lũ nhấn chìm tới nóc, hơn 20.000 người dân bị cuốn trôi hết toàn bộ lúa gạo, đồ đạc vật dụng trong nhà. Nặng nhất là huyện Ia Pa. Ông Nguyễn Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, cho biết: "Toàn huyện có 30.000/45.000 người dân phải di chuyển nhưng các lực lượng cứu hộ chỉ di dời khẩn cấp được 2.500 người. 49/76 làng bị ngập trong nước lũ với khoảng gần 4.000 hộ dân cần được hỗ trợ cứu đói khẩn cấp". 

Thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê được vì còn trên 10 xã trong vùng bị cô lập với bên ngoài. Chỉ tính riêng xã Ia Broái, nơi chính diện dòng xoáy của cơn lũ, đã có trên 1.000 con bò bị nước lũ cuốn trôi, dìm chết. Khắp các buôn làng cứ cách 50m có một nhà mổ thịt bò chết nướng ăn bên đường làng thay cơm, vì xã đang bị nước lũ cô lập và toàn bộ lúa gạo, lương thực đã bị nước lũ cuốn trôi. Thịt bò vốn là món ăn sang, nhưng người Jrai ở đây phải nuốt thịt bò cùng nước mắt!

 
 Trẻ vùng lũ ăn bánh tráng cầm hơi - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Các chuyến hàng cứu trợ đang dần được chuyển về. Tuy nhiên đến chiều ngày 6.11 vẫn còn trên 10 buôn làng ở Ia Broái bị cô lập. Và rồi khi thịt bò chết và ít hàng cứu trợ ban đầu cũng chỉ giúp dân cầm hơi được vài ngày, liền đó họ lại đối mặt với cái đói, rét và khát.

Gồng mình chịu đựng

Trong khi đó, ở Bình Định, Phú Yên hôm qua nhiều nơi nước lũ rút chậm, giường chiếu, chăn màn còn ướt đẫm nước bùn, trời âm u, cứ mươi mười lăm phút lại đổ mưa. Không phơi được chăn màn, lại thêm một đêm lạnh lẽo với người dân vùng lũ. Ông Nguyễn Văn Phú, ở xóm 4, xã Canh Vinh, H.Vân Canh (Bình Định) chỉ tay về phía ngọn tre đang treo lơ lửng những vật dụng trong gia đình, nghẹn ngào: "Nhà sập, các vật dụng cũng bị lũ cuốn trôi hết thảy. Bây giờ gia đình tôi không biết xoay xở ra sao. Sau lũ ai cũng tự lo thu dọn nhà cửa, giờ muốn đi làm kiếm cơm cũng chưa có ai thuê...".

Vợ chồng anh Đinh Văn Giang - chị Phan Thị Hồng Đào (quê Thanh Hóa) tình cảnh còn bi đát hơn. Từ Thanh Hóa, chị Đào cùng chồng bồng con nhỏ vào tạm cư ở tổ 1, khu vực 6, P.Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) mưu sinh đã 3 năm qua. Không có tiền thuê nhà, một người quen có nhà cho ở nhờ, nhưng ngôi nhà đã bị lũ cuốn phăng tất cả, chỉ còn lại tấm bạt tả tơi. Anh Giang làm công nhân bốc vác, chị Đào làm nghề phơi mực, thu nhập của 2 người chỉ đủ sống qua ngày, giờ tài sản chỉ 2 bàn tay trắng...

 Sau ba bốn ngày vật lộn với lũ dữ, người dân khu phố Ngân Sơn, các xã An Thạch, An Ninh... thuộc H.Tuy An (Phú Yên) mới ăn được bữa cơm đầu tiên sau lũ do những người tốt bụng ở vùng khô ráo tình nguyện nấu đem đến. Phần cơm tuy đơn giản nhưng ai cũng ăn rất ngon lành dưới một tấm bạt che tạm. Nơi đây cũng là chỗ ngủ cho những người không còn nhà cửa. Riêng gia đình anh Nguyễn Thanh Điền hai hôm nay không có lấy một bữa cơm. Nước lên nhanh, 2 bao thóc để dành đã trôi theo dòng nước khiến 4 người trong gia đình anh chỉ biết gồng mình chịu đựng... 

Sông Lam - Xuân Huy - Tiến Sĩ - Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.