Đổi mới công tác tiếp dân

17/06/2010 15:19 GMT+7

Việc tiếp công dân phải gắn với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, phức tạp, kéo dài thì đích thân Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp dân, có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành "điểm nóng", gây mất ổn định chính trị-xã hội, trật tự công cộng.

Đó là một trong những nội dung của Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 858/QĐ-TTg.

Đổi mới công tác tiếp công dân tập trung vào việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân; kiện toàn tổ chức, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiếp dân.

Cùng với đó là tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, có chế độ chính sách ưu đãi, thỏa đáng đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan tiếp công dân.

Tăng trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc tiếp dân

Đề án nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân; ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực làm công tác tiếp công dân; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc cần thiết cho Trụ sở tiếp công dân.

Một trong những điểm đáng chú ý của Đề án đổi mới công tác tiếp công dân là yêu cầu thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin về tiếp công dân, nối mạng Internet, tạo điều kiện để người dân được biết quá trình giải quyết đơn, thư, qua đó giám sát các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn, thư; nghiên cứu việc trả lời công dân trên mạng Internet kết quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thực tế, nếu thực hiện được quy định này, hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân sẽ được nâng lên khá nhiều. Bởi khi đó sẽ giảm bớt được bức xúc của người dân, tránh tình trạng người dân khiếu nại, tố cáo nhưng không biết đã được xử lý chưa, đang xử lý ở khâu nào, kết quả giải quyết cụ thể ra sao.

Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì phân công cấp phó tiếp và thông báo công khai cho công dân biết. Không được cử người không có thẩm quyền giải quyết công việc làm nhiệm vụ tiếp công dân thay mình. Sau khi tiếp công dân phải trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Sau thanh tra, kiểm tra phải có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thống nhất mô hình tổ chức của cơ quan tiếp dân

Theo Đề án, mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tiếp công dân được thống nhất ở các cấp.

Cụ thể, ở Trung ương, tổ chức tiếp công dân chung tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà  Nội và TP. Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các cơ quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cử cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.

Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức tiếp công dân tại Văn phòng Bộ, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền.

Ở cấp tỉnh, tổ chức tiếp công dân chung tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội. Văn phòng UBND tỉnh thành lập Phòng Tiếp công dân để chủ trì, điều hòa, phối hợp việc tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương tổ chức mô hình tiếp công dân cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả công tác tiếp công dân.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.