Kết thúc diễn đàn “Khát vọng tuổi trẻ”, Chúng tôi đã trò chuyện với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, lắng nghe thủ lĩnh thanh niên cả nước tâm sự, mở lòng về thanh niên trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần X.
* Đoàn có xác định rõ ràng hiện nay thanh niên đang quan tâm tới những gì không?
- Bấy lâu nay có ba chuyện không còn mới được thanh niên quan tâm nhiều nhất, đó là chuyện học hành, nghề nghiệp, việc làm và đời sống tinh thần, vật chất- nhu cầu đón nhận.
Còn gần đây thanh niên quan tâm nhiều hơn về chính trị, về việc thể hiện chính kiến của bản thân, thể hiện lòng yêu nước, tấm lòng, khát khao đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước-nhu cầu cống hiến bản thân.
Đây là minh chứng rõ nhất lý giải cho sự phát triển rộng khắp của hoạt động tình nguyện, trong khi rõ ràng sự đầu tư của Đoàn, của xã hội chưa thấm vào đâu so với thực tế phát triển của phong trào.
|
* Vậy để đưa phong trào đi lên thì phải khơi dậy được nhu cầu cống hiến của thanh niên?
- Đúng vậy. Thanh niên, tinh thần tình nguyện có mọi chỗ, quan trọng là huy động như thế nào. Nguồn lực của tổ chức Đoàn có hạn, tuy nhiên nghệ thuật lớn nhất của công tác phong trào là biết chọn ra đúng việc, biết cách khơi dậy tinh thần thanh niên, trong từng phong trào, từng đối tượng cụ thể.
Các hoạt động tình nguyện từ trước tới nay của Đoàn may mắn đã đáp ứng được tư duy đó, nhưng chưa thể hài lòng, vẫn tiếp tục lấy tinh thần đó xuyên suốt và phấn đấu.
* Nhu cầu tự thân trong cuộc sống của thanh niên, giới trẻ là luôn khát khao sống đẹp, Đoàn khơi gợi, tạo cảm hứng như thế nào?
- Đây là câu hỏi khó! Tổ chức Đoàn đeo đuổi chuyện này bấy lâu nay và cố gắng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tác động tích cực tới thanh niên.
Phong trào Đoàn nhiều khi bị “gắn mác” hình thức, nhưng muốn cảm thông phải hiểu được đó cũng là một trong những cách để huy động thanh niên. Không phải ai cũng tự giác vác cuốc xẻng ra đường, muốn lôi kéo phải tạo ra không khí, khơi gợi hứng thú cho họ. Tất nhiên có không ít nơi còn làm đối phó khiến thanh niên mất niềm tin, có thể làm hỏng cả phong trào.
Khi đi thực tế tại cơ sở Đoàn ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình), tôi được chứng kiến một bài học phong trào rất sinh động.
Trong khi tổ chức Đoàn được chu cấp kinh phí, được tổ chức hướng dẫn, đỡ đầu nhưng chưa thật sự làm tốt phong trào thì một câu lạc bộ thanh niên tại địa phương đó lại giúp thanh niên làm giàu thành công và đóng góp xây dựng đường giao thông cho làng xã.
Nói vậy để thấy làm công tác Đoàn không thể rập khuôn mà phải tìm giải pháp hay từ thực tiễn của phong trào cụ thể, địa phương cụ thể từ đó có phương pháp khơi gợi cho thanh niên.
* Trong những vấn đề bức xúc của xã hội và bức thiết với thanh niên, Đoàn đã thật sự đi đầu và đương đầu?
- Đoàn được Đảng giao cho nhiệm vụ là đội quân dự bị tin cậy, dẫn dắt thanh niên..., việc nào Đoàn chưa làm được phải thẳng thắn nhìn nhận là do yếu kém.
Nhiều khi Đoàn không hướng vào một phong trào cụ thể mà nằm ở chỗ huy động tinh thần, cái hồn cho phong trào. Ví dụ các phong trào tình nguyện do Đoàn khởi xướng như Tiếp sức mùa thi, Tình nguyện mùa đông, Xây dựng nông thôn mới... đã nắm vững tinh thần đó và triển khai khá thành công.
Về chuyện học tập, việc làm cho thanh niên, Đoàn cũng rất trăn trở, rất nỗ lực, tuy nhiên nếu nói là tiên phong đi đầu hay tạo ra cái gì đó mới thì chưa hoàn toàn đúng. Làm phong trào cần phải lấy tinh thần làm khoa học, nói ít hơn về cái mình làm được mà cần hướng tới những điều mình chưa đạt, không ngại ngùng, không giấu giếm.
* Diễn đàn đã nhận được rất nhiều ý kiến với nhiều cảm xúc, tự hào, nhưng bức xúc, trăn trở cũng không ít... Anh phác thảo như thế nào về chân dung, khát vọng của tuổi trẻ ngày nay?
- Nói tới khát vọng dễ hình dung tới những điều màu hồng, nhưng thực tế đời sống ở mỗi mảng đời khác nhau, thanh niên có những suy nghĩ, ưu tư khác nhau. Khát vọng nhiều khi bị cơm áo gạo tiền đè nặng nên nhiều người cho đó là điều gì đó cao siêu, xa xỉ trong cuộc chiến mưu sinh hằng ngày của họ.
Tôi đi tiếp cận với thanh niên đúng là có không ít chuyện buồn, thế nhưng đại đa số thanh niên VN đều tốt, tính cộng đồng, sẻ chia, sự sẵn sàng hi sinh, giúp đỡ đồng loại rất lớn.
Giới trẻ ngày nay cũng rất sáng tạo, không dừng lại ở sinh viên, người nghiên cứu khoa học, mà cả thanh niên nông thôn, thậm chí người khuân vác cũng ham mê sáng tạo.
Người trẻ còn biết hi sinh phấn đấu để lập nghiệp. Đáng mừng nữa, người trẻ ăn chơi sa đọa cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, hầu hết thanh niên có điều kiện sống tốt vẫn chịu khó học hỏi, sáng tạo, đây là nền tảng tốt khi xã hội theo quy luật này sẽ một thịnh vượng hơn.
* Anh vừa nói tới chuyện buồn?
- Buồn vì bây giờ thanh niên ít được quan tâm quá, từ xã hội, nhà trường đến gia đình nhiều khi còn thờ ơ. Thanh niên giờ sẵn sàng mang hung khí đâm chém nhau chỉ vì xích mích vụn vặt. Buồn nữa là nhiều thanh niên thiếu văn hóa, học hành, phải mưu sinh để chống chọi với cái đói nghèo.
Để xảy ra điều đó rõ ràng là thanh niên bị bỏ bê, thiếu sự chăm sóc trong thời gian dài. Bức tranh màu xám này cả xã hội, cộng đồng và tổ chức Đoàn phải nhận trách nhiệm.
Phong trào Đoàn nếu không khéo dễ tạo cơ hội cho những người có điều kiện, trong lúc bỏ quên những người khó khăn. Trong văn kiện tại đại hội này có nêu rõ trách nhiệm của Đoàn “với toàn xã hội, trong đó nói tới thanh niên chậm tiến” - đây là nhóm thanh niên từ trước dường như bị bỏ quên.
Tới nay họ sẽ được Đoàn đỡ đầu, được tham gia tổ chức Đoàn, thậm chí trở thành cán bộ Đoàn. Thứ hai, phong trào Đoàn đặc biệt chú ý tới những vùng khó khăn, không chỉ “vùng sâu, vùng xa” như xưa nay mà hướng tới cả những “góc tối đô thị” còn khó khăn, nhiều nhóm thanh niên mà Đoàn chưa “chạm” tới. Đơn cử như những người làm thuê, những ôsin giúp việc...
Theo Đặng Đại - Lâm Hoài/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)