Trong báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng việc ban hành luật là cần thiết song các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay.
Theo Ủy ban Pháp luật, mặc dù phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã tập trung vào tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo nghĩa "đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân"; tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan khi tiếp công dân cũng đồng thời trực tiếp giải quyết luôn một số khiếu nại, tố cáo của người dân. Do đó, cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu.
Theo báo cáo Thanh tra chính phủ gửi cho các ĐBQH, trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, các cơ quan nhà nước đã tiếp gần 500.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, với 5.378 đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 175.261 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Thái Sơn
>> Tiếp công dân
>> Sớm ban hành luật Tiếp công dân, luật Biểu tình
>> Tạm dừng tiếp công dân tại Hà Nội và TP.HCM
Bình luận (0)