Đói nghèo là nguyên nhân dẫn đến lạm dụng lao động trẻ em

01/12/2016 17:00 GMT+7

Hơn 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên, trong đó, 1,3 triệu trẻ em phải làm việc trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên. Việc ngăn chặn và giảm thiểu LĐTE đang là vấn đề thách thức tại VN.

85% Lao động trẻ em (LĐTE) ở khu vực nông thôn
Tại hội thảo hướng dẫn thực hiện Chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức sáng 1.12, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, tại Việt Nam vẫn còn khoảng 1,75 triệu LĐTE và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em. Độ tuổi trẻ em bắt đầu làm việc phổ biến ở độ tuổi 12 - 13 tuổi (chiếm 68,7%). LĐTE tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15 - 17 tuổi (gần 58%).
Đáng chú ý theo ông Nam, có tới 85% trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn và 15% sống ở khu vực thành thị. LĐTE tập trung chủ yếu ở 3 ngành nghề: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 1,18 triệu em (chiếm 67%). Trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động độc hại là 1,3 triệu em (chiếm 75% LĐTE). Thời gian làm việc bình quân của các em 42 giờ/tuần
Mặc dù Việt Nam đã ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE, nhưng theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, vấn đề LĐTE vẫn còn là thách thức. Nhận thức của gia đình các em và chính các em, cũng như người sử dụng lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến LĐTE. “Đói nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến LĐTE, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, chưa phổ biến được đầy đủ đến các địa phương khái niệm và cách xác định LĐTE. Bên cạnh đó, vấn đề LĐTE cũng là thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói riêng. và giảm thiểu LĐTE”, bà Lan nói.
Đại diện của Bộ LĐ-TB-XH còn cho hay, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là tương chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. “Việc tham gia lao động sớm không chỉ cản trở sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em mà còn cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em”, bà Lan chia sẻ.
Thí điểm mô hình hỗ trợ giảm thiểu LĐTE
Để giải quyết vấn đề LĐTE, ông Đặng Hoa Nam cho biết, trong Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu LĐTE. Mô hình tập trung vào các xã, phường, thị trấn có nhiều trẻ em tham gia lao động hoặc các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động. Ông Nam chia sẻ: “Mô hình hoạt động sẽ hướng tới tập huấn kỹ năng sống, trang bị cho trẻ em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân; trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập; hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh cải thiện điều kiện làm việc, tạo việc làm phù hợp với độ tuổi của trẻ em”.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng tổ chức lao động quôc tế (ILO) tại VN cho rằng, việc chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và LĐTE là một bước cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, tạo việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người. Đại diện ILO cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ việc triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020. “Không chỉ hành động ở cấp quốc tế và quốc gia, mà đồng thời tại cấp tỉnh và cấp địa phương để đưa ra những nỗ lực tốt nhất nhằm xóa bỏ LĐTE, đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ, đặc biệt các em trong hoàn cảnh khó khăn, mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho xã hội Việt Nam”, ông Lee khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.