Dù không nguy hiểm tính mạng nhưng những cơn đau nửa đầu Migraine kéo dài kèm một số triệu chứng khác khiến không ít người "khổ", nhất là chị em phụ nữ.
Có nhiều triệu chứng báo trước cơn đau nửa đầu - Ảnh: Shutterstock |
Thế nào là bệnh đau nửa đầu Migraine?
Theo bác sĩ Lê Văn Nam , Phó chủ nhiệm Bộ môn Thần Kinh - Trường đại học Y dược TP.HCM, trong thần kinh nhức đầu được chia làm 2 nhóm: nhức đầu nguyên phát (không có tổn thương thần kinh) và nhức đầu thứ phát (có tổn thương thần kinh hay toàn thể). Nhức đầu thứ phát thường rơi vào các loại bệnh như: nhiễm trùng (viêm màng não hoặc viêm não); tai biến mạch máu não (xuất huyết não, xuất huyết màng sọ); chấn thương sọ não; u não; bệnh lý xoang hoặc thoái hóa cột sống cổ.
Nhức đầu nguyên phát gặp 90% trong các trường hợp nhức đầu. Trong đó, nhức đầu co cơ (69% dân số) gặp phải - là loại nhức đầu thường gặp nhất. Nhức đầu Migraine khoảng 15% dân số. Nhức đầu từng cụm (chỉ khoảng 0,1% dân số) là loại nhức đầu hiếm gặp nhưng rất nặng.
Migraine là bệnh nhức nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ. Bệnh thường gặp ở nữ hơn nam, khoảng 18% dân số nữ và 6% nam ở độ tuổi từ 30 - 45 tuổi hay bị bệnh này.
Bệnh gồm 2 loại chính: Migraine tiền triệu và Migraine không có tiền triệu. Migraine tiền triệu chiếm khoảng 10% các trường hợp. Bệnh nhân có giai đoạn tiền triệu kéo dài từ vài phút tới 30 phút, xảy ra trước cơn đau với các triệu chứng về mắt: ám điểm chói sáng, bán manh đồng danh. Các tiền triệu ít gặp hơn: tê tay và tê một bên mặt, mất ngôn ngữ thoáng qua. Khi các triệu chứng trên biến mất thì cơn đau xuất hiện với các đặc tính điển hình.
Cơn đau Migraine có khởi phát thường một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên. Cơn đau theo nhịp mạch và bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh. Cường độ đau tăng dần và dữ dội hơn. Cơn đau kéo dài từ khoảng 4 - 72 giờ. Bên cạnh cơn đau, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng đi kèm như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn và có thể nôn. Bệnh nhân vào nơi tối và yên tĩnh thì có thể bớt đau.
Với Migraine không có tiền triệu, các cơn đau có đặc tính giống như migraine có tiền triệu nhưng cường độ đau thường ít hơn. Tuy không có tiền triệu nhưng bệnh nhân có thể có một số triệu chứng báo trước như: chán ăn, lo lắng. Trong cơn đau thường có hiện tượng tăng cảm giác đau vùng da đầu. Trên cùng một bệnh nhân có thể có cả hai loại cơn có và không có tiền triệu.
Khám và điều trị Migraine
Điều trị bệnh đau đầu Migraine, theo bác sĩ Lê Văn Nam, quá trình gồm có điều trị cắt cơ đau và ngừa cơn đau. Điều trị cắt cơn (điều trị cấp tính) giúp làm giảm ngay cơn đau. Được áp dụng trong mọi trường hợp Migraine. Bệnh nhân có thể được điều trị đồng thời vừa cắt cơn và ngừa cơn. Bệnh nhân điều trị ngừa cơn đau (điều trị mãn tính) được dùng thuốc lâu dài làm cơn đau không xuất hiện. Điều trị này chỉ định cho những bệnh nhân có cơn đau nhiều, trên 3 cơn mỗi tháng hoặc ở bệnh nhân có số cơn đau tuy ít nhưng khó cắt cơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể được kê thêm thuốc giảm đau và chống nôn.
Để phòng ngừa cơn đau nửa đầu khởi phát, bệnh nhân nên tránh các thuốc gây giãn mạch, thuốc ngừa thai có estrogen; sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tránh các căng thẳng tâm lý, tránh các thức ăn gây tăng cơn như rượu bia, fromage, bột ngọt.
Bác sĩ Nam lưu ý, mọi người dù bất cứ tuổi nào khi gặp các triệu chứng sau thì nên đi khám ngay: nhức đầu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trên 50 tuổi; nhức đầu khởi phát đột ngột khi gắng sức; nhức đầu xảy ra ở bệnh nhân nhiễm HIV, ung thư, phụ nữ mang thai; nhức đầu xảy ra trên bệnh nhân bị chấn thương sọ não trong vòng 3 tháng trước.
Nếu chưa đi khám được, một số trường hợp nhức đầu Migraine có thể tạm điều trị với các thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol 500 mg/2 viên lúc đau, Diclofenac 50 mg/lần đau, Ibuprofen 400 - 600 m/lần đau. Khi đau đầu, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh để giúp làm giảm cơn đau.
Bệnh nhân không nên tự thực hiện một số xét nghiệm cao cấp vừa gây tốn kém vừa khiến bệnh nhân thêm lo lắng, ảnh hưởng tới việc điều trị; tuyệt đối không tự sử dụng các thuốc điều trị chuyên biệt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sau khi khám, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc, không lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc an thần.
Bình luận (0)