Đối phó với mùa cao điểm của dịch bệnh

26/09/2012 14:54 GMT+7

Hằng năm, bước vào quãng thời gian cuối tháng 9 đến tháng 11, Đà Nẵng thường bước vào mùa đỉnh dịch bệnh, bởi đây là lúc thời tiết diễn tiến thất thường, tạo môi trường tốt cho nhiều dịch bệnh lan rộng.

Nhiều bệnh dịch tái xuất hiện

Trước hết đó là dịch sốt xuất huyết (SXH). Hiện, trên địa bàn Đà Nẵng, đã phát hiện 7 ổ dịch nhỏ với 105 ca bệnh. Các ca bệnh chủ yếu rơi vào thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9, với bình quân mỗi tuần từ 7-10 ca. Hiện những địa bàn bệnh SXH xuất hiện là tại phường Thanh Bình, Thuận Phước, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), P.Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ), xã Hòa Nhơn (Hòa Vang)… Theo phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng) thì tình hình dịch so với cùng kỳ năm trước là giảm, nhưng cũng không thể không lường trước việc dịch bệnh bùng phát bởi mùa mưa nắng thất thường trong tháng 9, 10, 11 sẽ tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh SXH sinh sôi và phát triển.

Đối phó với mùa cao điểm của dịch bệnh 
 Cẩn trọng phòng ngừa cho trẻ nhỏ khi vào mùa dịch bệnh - Ảnh:Diệu Hiền

Cùng với SXH đó là dịch bệnh tay chân miệng (TCM) cũng đang có chiều hướng phát triển trở lại. Theo thống kê, đã có 2.772 trường hợp mắc TCM trên địa bàn Đà Nẵng tính từ đầu năm đến ngày 25.9. Con số này tăng gấp 7 lần so với năm 2011. Bên cạnh đó, chỉ riêng điều trị ở bệnh viện Phụ sản- nhi Đà Nẵng, đã có gần 7.000 trường hợp mắc TCM đến điều trị, chủ yếu bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành miền Trung. Và trong cộng đồng, dịch bệnh TCM cũng xuất hiện trở lại ở nhiều địa bàn. Với dịch cúm H5N1 thì vào thời điểm này, cũng là mùa dễ phát sinh những ổ dịch nếu không kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, giết mổ gia cầm.  

Tăng cường kiểm tra, phòng dịch

Đó là công việc đang được ngành Y tế thành phố tiến hành hết sức gấp rút trước mùa dịch bệnh đang gần kề. Đích thân lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành y tế phải tăng cường tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống các dịch bệnh trong mùa này. Những công việc cụ thể ngành đã triển khai là: tăng cường phòng chống dịch tại địa phương với việc tăng cường công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh sớm trong vòng 48 giờ, đảm bảo 100% ca bệnh đều được theo dõi; theo dõi phòng chống dịch tại các điểm nóng, nơi có nguy cơ cao, khu nhà trọ sinh viên, khu nhà trọ công nhân tại khu công nghiệp; hối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát các điểm buôn bán, ổ dịch cúm gia cầm cũ và các nơi có nguy cơ cao để phát hiện và phòng chống dịch kịp thời… Tập huấn, đào tạo cho các nhân viên y tế dự phòng xã phường nắm bắt kỹ lưỡng những biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay khi phát hiện dịch xuất hiện tại địa phương. 50 công nhân trực tiếp phun hóa chất xử lý các ổ dịch cũng được tập huấn để hiểu rõ cách phòng dịch hữu hiệu nhất.

Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, việc phòng, chống dịch hiện nay gặp nhiều khó khăn là tại Đà Nẵng đã phát hiện ra loài muỗi Aedes albopictus- là loại muỗi truyền bệnh SXH, có đặc điểm sinh thái sống ngoài nhà. Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường tại các khu vực công nhân và sinh viên nhập cư trên địa bàn Đà Nẵng không bảo đảm, mùa mưa đến tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Vì vậy, việc quản lý, xử lý và giám sát ca bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Chương trình phòng chống TCM, cúm A (H5N1) không có trong chương trình mục tiêu quốc gia nên kinh phí phòng chống dịch chủ động gặp nhiều khó khăn. “Tuy vậy, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với mùa dịch bệnh đỉnh cao này. Ngành Y tế dự phòng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất để phòng và dập dịch, không để dịch bệnh lan rộng ảnh hưởng đến đời sống của người dân!” BS Dương Ấm Mậu, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng khẳng định.

Diệu Hiền

>> Dịch bệnh nặng do tuyến dưới kém
>> Hơn 14,5 tỉ đồng phòng chống dịch bệnh
>> Cảnh báo nhiều dịch bệnh có thể “trỗi dậy”
>> Dịch bệnh trên lúa lan nhanh
>> Dịch bệnh đe dọa dân vùng lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.