Trước năm 1945, ngôi nhà số 37 phố Cầu Gỗ, mặt sau thông ra phố Đinh Tiên Hoàng, bên Hồ Gươm, có hiệu kem Zéphyr, là nhà của cụ Phạm Quang Hưng, làm thông phán ở Bưu điện Bờ Hồ. Ít ai ngờ rằng, hiệu kem Zéphyr lúc nào cũng nườm nượp khách đến bên ngoài như vậy nhưng bên trong các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương ở trên gác xép, chăm chỉ viết báo. Về sau, cả hai đều trở thành con rể của gia đình. Ông Nguyễn Kim Cương (sau này làm Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, nay gọi là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) lấy bà Phạm Thị Hồng, còn ông Phạm Văn Đồng lấy bà Phạm Thị Cúc.
Đám cưới của ông Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc được tổ chức năm 1946 tại nhà 86 phố Hàng Bạc (Hà Nội) theo lối "đời sống mới". Đây là nhà riêng của nhà tư sản Phạm Chấn Hưng, thân phụ thi sĩ Phạm Huy Thông. Chủ hôn lễ là bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lúc đó. Dự lễ cưới có các ông Phạm Quang Chúc (anh trai bà Cúc), ông Trường Chinh (Tổng Bí thư), ông Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng)…
Mới xây dựng gia đình xong, Phạm Văn Đồng được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng tại Nam Trung Bộ. Vì việc nước, ông phải để bà Phạm Thị Cúc ở lại Hà Nội. Thương hoàn cảnh vợ chồng ông xa nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép bà Phạm Thị Cúc vào đoàn tụ với chồng. Bà đã đi bộ vượt Trường Sơn trong 5 tháng ròng rã để vào Quảng Ngãi, quê chồng. Vợ chồng đoàn tụ chưa ấm chỗ thì cũng là lúc ông được lệnh ra Bắc, bà lại vượt Trường Sơn ra Bắc. Những hành trình dài vất vả như thế khiến bà phát bệnh.
Sinh thời, nhà thơ Việt Phương, thư ký giúp việc suốt 53 năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã chia sẻ: Số phận đã không ưu ái bà Phạm Thị Cúc, phu nhân Thủ tướng, khi bắt bà chịu cảnh bệnh tật từ khi còn quá trẻ, chẳng có cơ hội an hưởng hạnh phúc bên chồng con. Dẫu vậy, bà Phạm Thị Cúc vẫn may mắn có được sự yêu thương và chăm sóc hết mực của chồng.
Nhà thơ Việt Phương kể rằng khi mới nên nghĩa vợ chồng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng hứa với vợ, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa bà đi cùng. Nhưng sau này vì điều kiện công việc, vì nhiệm vụ cách mạng, ông đã không giữ được lời hứa của mình với người vợ hiền.
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, người con trai duy nhất của ông bà, chia sẻ rằng: “Má của tôi bị bệnh nặng, vì trong chiến tranh, má tôi phải chịu đựng một thời gian dài xa cách và thương nhớ, vì lo lắng cho ba tôi quá nhiều, vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ như má, cho nên khi má bị bệnh, ba tôi ân hận lắm. Ba đã lo cho má đi chữa nhiều nơi, nhiều cách và đi chữa ở nước ngoài vẫn không khỏi. Ba tôi kể lại nguyên nhân chính là hồi năm 1946, khi ba tôi vào Nam Trung bộ đã không cho má tôi đi cùng, thực ra hoàn cảnh không cho phép và cũng sợ không an toàn”.
Bà Phạm Thị Cúc phát bệnh khi rất trẻ khiến những năm tháng sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vất vả để chăm sóc gia đình riêng của mình. Từ khi về thủ đô Hà Nội (năm 1954), do bệnh nặng nên bà Cúc được bố trí ở căn biệt thự trên phố Khúc Hạo. Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng và con trai Phạm Sơn Dương sống trong Phủ chủ tịch.
Theo lời kể của thiếu tướng Phạm Sơn Dương, chiều chủ nhật hằng tuần, hai cha con lại ra thăm mẹ. “Ba thường ngồi rất lâu cầm tay và hôn lên mái tóc của má, tuy không nói chuyện nhưng biểu hiện rất yêu quý má. Má tôi cảm nhận được tình cảm đó nên nét mặt vui vẻ, sau đó cùng ăn một bữa cơm gia đình ấm cúng, đôi khi có thêm các cô, chú trong gia đình bên má hoặc ba đến cùng ăn và nói chuyện cho thêm vui. Tình yêu của ba đối với má trong suốt thời gian qua thật thủy chung và rất sâu đậm”.
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương là người con trai duy nhất của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc, ra đời đã sớm chịu nhiều thiệt thòi khi không có được sự chăm sóc đầy đủ của mẹ. Vì bận bịu công việc của đất nước nên khi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải nhờ thầy giáo Vũ Linh (em vợ của nhà thơ Việt Phương) vào sống cùng ở Phủ chủ tịch để vừa lo việc dạy dỗ, bảo ban, vừa lo việc học cho Phạm Sơn Dương.
Sinh thời, nhà giáo Vũ Linh (Khoa Vật lý - trường Đại học Bách khoa) kể cho tôi nghe một vài chuyện khi kèm cặp con trai Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thầy Vũ Linh không phân biệt con của cán bộ cao cấp Trung ương với em con nông dân, ông coi tất cả đều bình đẳng như nhau. Vừa nghiêm khắc, vừa hướng dẫn đầy đủ, song cũng có lần ông phạt roi con Thủ tướng bằng hình thức cảnh cáo: một roi. Đó cũng là lần phạt roi duy nhất đối với học trò Phạm Sơn Dương. Chuyện này chỉ bị lộ ra, theo lời kể của thầy Vũ Linh, khi con trai Thủ tướng đã trở thành sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Quân sự.
Nhà thơ Việt Phương cũng kể: “Phạm Sơn Dương hiền lành, ít nói và rất gắn bó với gia đình bên ngoại. Những người trong gia đình bên ngoại cũng vốn có tính cách khiêm tốn. Được sự dạy dỗ của cha và các cậu, các dì bên ngoại nên Phạm Sơn Dương rất hiền lành, ít nói. Tôi chưa bao giờ thấy Phạm Sơn Dương cậy thế cha mình là Thủ tướng mà lên mặt với người khác”.
Đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tuy công việc bận bịu nhưng ông vẫn cố gắng dành thời gian cho con trai vào những bữa ăn, cùng đưa con trai ngồi ăn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Phạm Sơn Dương nhớ lại, lần nào cũng vậy, trước bữa ăn Bác Hồ đều hỏi thăm sức khỏe của bà Phạm Thị Cúc.
Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc nào ông cũng dặn con trai mình phải thường xuyên quan tâm và yêu thương mẹ. Những ngày bận bịu công việc không qua Khúc Hạo được, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường dặn con trai Phạm Sơn Dương qua trò chuyện với mẹ. Mỗi lần như thế, ông đều gửi tặng bà những món quà nho nhỏ, cốt để bà vui.
Trước khi qua đời, nằm trong bệnh viện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dặn dò con trai duy nhất của mình: “Ghi nhớ lời ba phải thường xuyên chăm sóc má, nuôi dạy Quốc Hoa và Quốc Hương (hai người con của thiếu tướng Phạm Sơn Dương - PV) như ba mong muốn, làm việc tốt để có cống hiến tốt”.
|
Bình luận (0)