(TNO) Trong vòng 100 ngày đầu lên ngôi, Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman không kích Yemen, phát cho người dân 32 tỉ USD và thay đổi người kế vị ngôi vua.
Quốc vương Salman lên ngôi giữa lúc tình hình an ninh ở Ả Rập Xê Út đang rất bất ổn - Ảnh: Reuters
Thần tốc
Nếu như vị vua đã băng hà hồi tháng 1 vừa qua - Quốc vương Abdullah là người cực kỳ cẩn trọng, mọi quyết định đều tìm kiếm sự hài hòa giữa các thế lực quan trọng thì Quốc vương Salman lại chứng minh mình mang một cung cách hoàn toàn khác.
Vừa lên cầm quyền, ông đã tham gia cuộc không kích ở Yemen để tấn công lực lượng nổi dậy Houthi, vốn được xem là mối đe dọa an ninh cho đất nước của mình. Ả Rập Xê Út chính là nước đóng vai trò đầu tàu trong cuộc tấn công có 8 quốc gia tham gia này. Quốc vương Salman đã không ngần ngại giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo cuộc không kích cho cậu con trai mới ngoài 30 tuổi giữ ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman, người trước đó rất ít được biết đến trên trường quốc tế.
Về mặt đối nội, cuộc cải tổ nội các của Quốc vương Salman khiến dư luận sôi sục trên khắp thế giới. Theo sắc lệnh của Quốc vương Salman, danh hiệu thái tử của người em cùng cha khác mẹ Muqrin bin Abdulaziz được chuyển sang cho Bộ trưởng Nội vụ: hoàng tử Mohammed bin Nayef. Người kế vị thứ hai chính là con trai ông, Bộ trưởng Quốc phòng mới nổi Mohammed bin Salman.
“Chỉ mới cách đây nửa năm, ông ta còn chưa nắm vị trị quan trọng nào, còn bây giờ, ông ta là người quyền lực thứ 3 trong nước. Đó là một điều rất khác thường ở Ả Rập Xê Út, khi mọi động thái đều diễn ra rất chậm, đi từ bước một”, Toby Matthiesen, một tác giả viết sách về Ả Rập Xê Út nhận xét với Bloomberg.
Chỉ mới cách đây nửa năm, người ta còn chưa biết Mohammed bin Salman (phải) là ai - Ảnh: AFP
|
Làm mếch lòng các hoàng tử
Bên cạnh rất nhiều thay đổi bước ngoặt, việc trao chức Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng cho Adel al-Jubeir là một quyết định khác thường, bởi ông này chẳng có tí máu hoàng gia nào trong huyết mạch. Trước đó, cái ghế Bộ trưởng Ngoại giao đã được hoàng tử Saud al-Fasal ngồi suốt gần 4 thập niên. Ở tuổi 53, ông Adel al-Jubeir là một đại diện trong một đội ngũ lãnh đạo trẻ trung hơn, được đào tạo chuyên nghiệp hơn mà Quốc vương Salman cố gắng xây dựng.
Ở một đất nước có tới hàng ngàn hoàng tử, Quốc vương Salman đã làm mếch lòng nhiều người bà con khi chọn
"người ngoài" làm Bộ trưởng Ngoại giao - Ảnh: AFP
"người ngoài" làm Bộ trưởng Ngoại giao - Ảnh: AFP
Trong một đất nước mà quyền lực tuyệt đối thuộc về hoàng gia, vốn đang có đến hàng ngàn hoàng tử, những bước đi quá nhanh, quá khác thường, lại chia sẻ quyền lực cho “người ngoài” như kể trên khiến nhiều thành viên hoàng gia phật ý. Hoàng tử Talal bin Abdulaziz, một trong số các anh em cùng cha khác mẹ với quốc vương Salman, cũng là người sáng lập quỹ đầu tư toàn cầu Alwaleed bin Talal công khai lên Twitter bảo rằng ông chống lại “những quyết định theo kiểu ngẫu hứng” và vi phạm hiến pháp trong cuộc cải tổ nội các.
Thổi bay 32 tỉ USD
Nói gì thì nói, cuộc chiến tại Yemen hay việc trao quyền lực cho ai vẫn không ảnh hưởng nhiều đến sự ủng hộ mà dân chúng dành cho tân vương về lâu về dài so với đề tài muôn thuở: túi tiền của người dân. Với mức dự trữ ngoại tệ của đất nước lên đến 700 tỉ USD, dường như Hoàng gia Ả Rập Xê Út có thể vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng chính trị nào nhờ vào túi tiền căng phồng của mình. Nhưng con số này chưa hẳn đã “khủng” như khi mới nhìn vào. Khi quốc vương muốn ngăn chặn làn sóng biểu tình ồ ạt đáng sợ theo kiểu Mùa xuân Ả Rập lan tới đất nước mình, chỉ trong một động thái duy nhất, ông “thổi bay” hết 32 tỉ USD, phát không số tiền này cho người dân.
Ngoài ra, với dân số lên đến gần 30 triệu, đa phần người Ả Rập Xê Út chỉ biết tặc lưỡi khi so sánh sự giàu có của mình với các “ông bạn đồng nghiệp” lắm dầu mỏ lân cận như Qatar hay Kuwait. Ngày càng có nhiều người Ả Rập Xê Út thất nghiệp và phải chấp nhận một thực tế phũ phàng: họ buộc phải nghĩ đến những công việc như bồi bàn, tạm biệt giấc mơ làm quản lý.
Việc Quốc vương lựa chọn một bộ trưởng quốc phòng và người kế vị thứ 2 mới ngoài 30 tuổi khiến nhiều người phải sửng sốt. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman (phải) và Tổng thống Yemen - Ảnh: AFP
|
Các khoản phúc lợi, ban tặng hào phóng hiện nay ở Ả Rập Xê Út đều chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, vốn chiếm đến 90% nguồn thu của chính phủ. Trong bối cảnh giá dầu thô đang xuống thê thảm, thâm thủng ngân sách của nước này đang ở mức 39 tỉ USD. Trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay, người ta càng phải nhớ lại câu nói của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Sheikh Yamani từ thập niên 70 của thế kỷ trước: “Thời kỳ đồ đá không chấm dứt vì lý do hết đá và thời đại dầu mỏ sẽ kết thúc rất lâu trước khi thế giới hết dầu”.
100 ngày đầu cầm quyền của Quốc vương Salman nhìn chung nhận được nhiều tràng pháo tay. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon không ngần ngại đưa Salman “lên mây”: “Chỉ trong 10 ngày, Quốc vương Salman đã hoàn thành các công việc mà nhiều lãnh đạo mới khác thường phải mất 100 ngày”.
Trong bối cảnh tình hình đã khác xưa rất nhiều, có thể một lãnh đạo quyết đoán, có đầu óc cách tân như Quốc vương Salman là người mà Ả Rập Xê Út đang cần. Nhưng chặng đường thu phục lòng dân phía trước của ông còn rất dài và lắm chông gai.
Vài dữ kiện về Ả Rập Xê Út:
- Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud lên cầm quyền vào ngày 23.1.2015 sau khi người anh cùng cha khác mẹ là Quốc vương Abdullah băng hà.
- Hoàng gia Ả Rập Xê Út nắm quyền tuyệt đối, cấm mọi đảng phải chính trị. Các tiếng nói đối lập chỉ thường cất lên từ nước ngoài. Một trong những rắc rối hóc búa nhất là những cuộc tấn công đẫm máu của các tổ chức dân quân Hồi giáo.
- Ả Rập Xê Út là một trong những tiếng nói quan trọng nhất trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo.
- Là nước xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới, giữ 25% trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện trên thế giới.
|
Bình luận (0)