16 năm kiến thiết cổng trời

16/06/2021 17:20 GMT+7

Với độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển, huyện Tu Mơ Rông được mệnh danh là cổng trời của tỉnh Kon Tum.

Một góc huyện Tu Mơ Rông

Một góc huyện Tu Mơ Rông

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Tu Mơ Rông là một trong những huyện vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Kon Tum. Nơi đây nằm cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 80 km về phía bắc theo quốc lộ 14 và quốc lộ 40B. Huyện có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các sông suối, độ dốc cao.
Đây cũng là huyện khá non trẻ khi mới được thành lập từ tháng 6.2005. Địa hình đồi núi, nguồn lao động chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc phát triển kinh tế trở thành bài toán khó giải ở nơi được mệnh danh là cổng trời này. Tuy nhiên sau 16 năm kiến thiết, H.Tu Mơ Rông đã đạt được nhiều thành tựu nhất định.
Theo thống kê của BQL dự án đầu tư xây dựng H.Tu Mơ Rông, đến nay, sau nhiều năm xây dựng, hạ tầng giao thông tại địa phương đã dần hoàn thiện. Hiện tuyến đường Tu Mơ Rông - Ngọc Yêu dài 14 km đã được phủ nhựa và bê tông hóa. Tất cả 11 xã đã có đường đến trung tâm xã. Các tuyến đường liên thôn, nội thôn đã được đầu tư trên 75%. Cùng với đó, Tu Mơ Rông còn đang tập trung phát triển 8 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài gần 14 km. Toàn huyện có hơn 110 km đường nội đồng, quá nửa số này đã được bê tông hóa hoặc cấp phối đá dăm…
Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng khác phục vụ phát triển kinh tế cũng được chú trọng. Là huyện miền núi chuyên về sản xuất nông nghiệp nên Tu Mơ Rông tập trung xây dựng các đập thủy lợi phục vụ sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện có 38 công trình thủy lợi với tổng diện tích tưới trên 785 ha, đáp ứng 64% nhu cầu diện tích. Tổng chiều dài kênh mương và đường ống dẫn nước dài hơn 117 km và đã kiên cố hóa trên 50%. Hệ thống điện được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt sản xuất của nhân dân, hiện nay trên 99% số hộ được sử dụng mạng lưới điện quốc gia.
Cùng với đầu tư hạ tầng kinh tế, phát triển hạ tầng xã hội cũng được huyện quan tâm, chú trọng. Mạng lưới trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất thiết yếu theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Đến nay trên địa bàn đã có 33 trường từ mầm non đến trung học được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế ở hầu hết các xã được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Từ nguồn kinh phí nông thôn mới, các công trình nhà rông văn hóa, sân thể thao được triển khai trên tất cả 91 thôn, đáp ứng nhu cầu hội họp sinh hoạt của của thôn làng.
Đường về các thôn làng đều được phủ nhựa

Đường về các thôn làng đều được phủ nhựa

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Về hạ tầng thương mại, huyện tập trung xây dựng chợ trung tâm huyện, các cửa hàng thương mại tại trung tâm các xã. Ngoài ra, hệ thống cửa hàng trải rộng khắp các thôn, làng phục vụ tốt đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân.
Theo ông Ngô Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Tu Mơ Rông, trong giai đoạn 2020 - 2025, bên cạnh nhiều mục tiêu đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, Tu Mơ Rông xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.