20 năm hành trình 'chiến đấu' với tai nạn giao thông

Ủy ban ATGT quốc gia vừa kỷ niệm 20 năm thành lập (1997- 2017), ghi dấu những nỗ lực thầm lặng và quyết liệt trong hành trình ngăn chặn và giảm mạnh tai nạn giao thông.

Cuối những năm 90, đầu những năm 2000, tai nạn giao thông (TNGT) là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình với thực trạng “mỗi năm mất 1 sư đoàn vì TNGT”. Hệ luỵ này bắt nguồn một phần từ cơn lốc xe máy nhập ồ ạt về VN đầu những năm 90, tốc độ tăng xe máy chóng mặt 15%/năm, trong khi hạ tầng vẫn ì ạch. Mỗi ngày có 30 - 40 người ra đi, mãi mãi không quay trở về và hàng chục người khác bị thương tật suốt đời, để lại gánh nặng và ám ảnh cho hàng chục nghìn gia đình. Trước thực trạng đó, việc thành lập Ủy ban ATGT quốc gia năm 1997 được xem là đầu mối để phối hợp với các địa phương, bộ, ngành và chỉ đạo xuyên suốt công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh việc triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều chỉ thị lớn của Ban Bí thư T.Ư, sự ra đời của Ủy ban ATGT gắn với nhiều chiến dịch để lại dấu ấn đến ngày hôm nay. Một trong những điểm nhấn đó là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy - một trong những quy định từng vấp phải phản ứng rất lớn của dư luận, nhưng đã mang lại kết quả rất tích cực, bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông bằng xe máy.
Ngay sau khi được luật hóa bằng Nghị quyết 32 của Chính phủ năm 2007, với khung pháp lý vững chắc, một chương trình tuyên truyền rộng khắp được tuyên truyền rộng rãi trên toàn quốc. Dù đã có những nghi ngờ và áp lực lớn từ dư luận, thậm chí là báo chí, và cả sự thực hiện nửa vời mang tính chống đối của một số người, chiến dịch đội mũ bảo hiểm đã thành thói quen tự nguyện với rất nhiều người dân. Theo thống kê, đến nay tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm đã đạt hơn 95%, giúp giảm hẳn số ca bị chấn thương sọ não do TNGT xuống dưới 30%.
Một chương trình mang tính nhân văn, lan toả khác cũng được Ủy ban ATGT quốc gia phát động là Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân TNGT, với phương châm và triết lý nhà Phật “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, mang lại sự an ủi cho những gia đình có nạn nhân TNGT, cũng như cảnh báo cho xã hội về thảm hoạ mà TNGT gây ra.
Tỷ lệ tử vong giảm gần 1/3
Phát biểu tại buổi gặp mặt 20 năm thành lập Ủy ban ATGT chiều 1.11, Phó thủ tướng thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá kể từ khi thành lập đến nay, Ủy ban ATGT đã luôn hoàn thành tốt vai trò một cơ quan phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chiến lược, đề án quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm TNGT cướp đi sinh mạng gần 1,25 triệu người, khiến hơn 50 triệu người khác bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, thiệt hại 3% chi phí GDP toàn cầu.
VN từng là một trong những nước có tỷ lệ TNGT ở mức cao, nhưng những nỗ lực chung từ tất cả các cấp đã giúp giảm mạnh con số nạn nhân tử vong do TNGT. Từ chỗ mỗi năm có 12.000 -13.000 người tử vong do TNGT cách đây 5 - 6 năm, con số này đã giảm xuống dưới 9.000 người, số người bị thương cũng như thiệt hại về tài sản vật chất cũng được kéo giảm đáng kể. Theo Phó thủ tướng, đây là kết quả của toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành địa phương, trong đó có sự đóng góp hiệu quả của Ủy ban ATGT quốc gia.
Nói lời tri ân thế hệ đi trước đã có những đóng góp trực tiếp, gián tiếp cho quá trình hình thành, kiện toàn và hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia ngày hôm nay, Phó thủ tướng khẳng định hoạt động bảo đảm an toàn cho cộng đồng là những hoạt động cao quý, vừa vất vả nặng nhọc nhưng cũng rất vinh quang và tự hào.
Theo Phó thủ tướng, bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, TNGT còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng nhanh chóng tạo thêm nhiều áp lực lớn, đòi hỏi phải tiếp tục nhiều giải pháp đồng bộ từ thể chế, kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng văn hóa giao thông... để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.