Việt kiều Mỹ 20 năm sống xứ người, chạnh lòng nhớ về Tết quê của má

29/01/2020 13:05 GMT+7

Tết! Chỉ cần nghe nhiêu đó thôi thì bao kẻ lữ thứ rời làng quê, mái đình lên phố xá ngược xuôi tìm kiếm kế sinh nhai, hay hàng triệu người Việt tha hương bất kì nơi nào trên thế giới cũng thấy nôn trong dạ.

Tết ở quê nghèo

Những năm sau chiến tranh, gia đình tôi chuyển từ Phú Yên về lại Ninh Hòa, ba má có nghề nấu đường tán bán cúng ông Địa. Từ những tán đường đen thui hay thùng phuy mật mía từ La Hai được bạn hàng chở vô, cả nhà nấu ra, đổ vô khuôn, kẽo kịt đội từng thúng mang ra chợ cho má ngồi bán.
Đâu được hơn chục năm, nghề đường ế dần, má lui về mở một gian hàng tạp hóa nho nhỏ phía trước nhà. Nói chung là cả cái chợ thu nhỏ đều nằm trong quầy hàng của má. Không lời lãi gì nhiều, mỗi ngày kiếm được ít chục ngàn, đủ tiền đong gạo, cá mắm cho mười mấy đứa con vào tháng năm khó nhọc.
Tất nhiên, má cũng không bỏ qua cơ hội bán buôn cuối năm cho bà con sắm Tết.
Đầu tháng mười, má bắt đầu đi gom góp bạc tiền, thu nợ nần, vay đầu trên một ít, mướn xóm dưới một chút, chạy vạy mua hàng trữ bán Tết. Má mua hơn chục tạ nếp bỏ bao bố chất sau nhà bán cho bà con gói bánh tét. Phải là nếp lúa cũ nhen, gói bánh mới dẻo và thơm, chứ gặp lúa mới, ra cái bánh trớt quớt người ta phàn nàn thì khổ.
Má ra chợ lấy sỉ vải vóc với áo quần may sẵn về bán cho bà con trả góp. Mấy cái quần jeans mô-đen bạc thếch. Áo thun có hình con cá sấu hợp thời. Những tấm vải mút xơ lin, xoa xuýt bóng bông hoa đủ màu, đủ loại treo lủng lẳng trước nhà như một gánh hát bội.
Má mua quá trời lò nung lớn nhỏ đủ kiểu, của thương lái ở Bàu Trúc, từ Ninh Thuận chở ra, chất đống bán cho bà con. Phải là lò Bàu Trúc người mua mới chịu nhen. Chả biết đất sét nơi đó tốt đến đâu, mà khi nung lên, lò đỏ rực một màu thương nhớ. 
Chiều ba mươi là sạch bách. Bởi dù nghèo khổ đến đâu, cuối năm, nhà nào cũng sắm sửa cho mình cái lò đất nung mới. Người dân quê trân trọng và kính sợ ông Táo như một vị thần hộ mạng.
Đêm 23 tháng Chạp, bà con khắp xóm cúng mâm cơm, đốt giấy tiền vàng bạc, tiễn ông Táo về trời. Ai cũng thành tâm khấn vái, mong ông bà Táo nói tốt cho gia đình, để ông Trời thương tình, phù hộ cho gia đình sang năm làm ăn thuận lợi.
Cúng xong, bà con sẽ thay lò mới. Sai tụi nhỏ cẩn thận đem cái cũ ra bỏ sau hè, hay mang ra gốc đa giữa làng, hoặc xuống đường luồng đi chợ mà để nhẹ nhàng, không được làm bể kẻo bị quở trách.

Món ngon không thể nào quên

Má giỏi lắm nhen. Dù bận trăm công ngàn việc, mua bán rần rần cho ba ngày Tết, nhưng sau rằm tháng Chạp, má đã một tay chỉ đạo cả bầy con, lo sắm sửa cửa nhà tươm tất. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu.
 
Sẵn tay, mua vài kí kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu, một nửa làm dưa chua, nửa kia làm dưa món.
Chỉ có nhiêu đó thôi nhưng món củ kiệu và dưa món của má lúc nào cũng gây thương nhớ. Má có thèm giấu nghề chi đâu, vậy mà không hiểu sao cả bầy con cứ làm mãi, học hoài, mấy mươi năm có lẻ qua đi, nhưng không thể nào ra được một thẩu ngon y chang như má.
 
Chị mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột đưa, thẩu bánh thửng về cúng ông bà và đãi khách. Chiều hai chín đi mua mấy nải chuối, trái cây chưng mâm ngủ quả, hoa cúc, sống đời, huệ trắng cắm bàn thờ.
Chiều ba mươi, trong khi ba và anh chị rộn ràng lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng, bày biện mâm cơm cúng tất niên mời ông bà, tổ tiên về ăn cùng con cháu, thì má ngồi một góc, lặng lẽ cộng sổ sách, kiểm tra hàng hóa.
 

Tác giả ngày còn nhỏ ở Ninh Hòa

Tôi ngồi một bên, dõi theo nét mặt của má mà đoán tình hình. Có năm, dẫu không cười to nhưng mặt má tươi như hoa cúc vàng nở rộ trước sân. Nghĩa là năm ấy nhà có một cái Tết thật to, bọn tôi được lì xì một phong bì dày, ra Giêng mặc sức ăn hàng thả cửa.
Có năm, má nhíu mày, thở dài nhè nhẹ. Chỉ nhiêu đó thôi, là tôi biết đó sẽ là một cái Tết buồn của gia đình khi không dư dả bạc tiền. Má thì chẳng bao giờ hé răng than vãn nửa lời. Vẫn nén buồn, bình thản cùng với gia đình đón Tết bình yên. Ánh mắt ấy gần ba mươi năm vẫn chưa thôi một lần ám ảnh.
 
Thỉnh thoảng trong chập chờn giấc ngủ vẫn cứ hiện về, chờn vờn trước mặt. Khuôn mặt buồn thiu, nụ cười méo xệch, ánh nhìn lo lắng, ưu tư, khắc khoải ấy như xé nát cả lòng. Có lẽ vì thế mà tôi chẳng bao giờ đi vào con đường kinh doanh, buôn bán dẫu người ta vẫn bảo “phi thương bất phú”. Tôi bằng lòng với việc làm công, ăn lương của chủ, thay vì phải phập phồng, thấp thỏm, tính từng cắc bạc lời lỗ như má ngày xưa.
Hơn nửa đời người và hai mươi năm miệt mài viễn xứ, hễ mỗi lần thấy trời lành lạnh chuyển sang đông, lên facebook nghe bà con hỏi chuyện mua vé về quê ăn Tết chưa, ghé mấy chợ Việt, thấy người ta bày bán những hộp bánh mứt, hoa đào hoa mai bằng nhựa, hay mớ bao lì xì từ tám chín đời dương, trong lòng lại rộn lên một nỗi niềm khó tả.
 
Chỉ cần đặt chân xuống Sài Gòn ấm áp, nghe tiếng người Việt ríu rít khắp nơi là nỗi buồn nào cũng tan biến, lật đật lên xe, mong chạy thiệt nhanh về giữa Ninh Hòa kịp ăn Tết với gia đình. Chỉ muốn về với quê hương bên người thân ruột thịt, nghe mùi bánh tét nồng thơm trên đầu mũi, nhà ai đang xào gừng, trộn dừa nồng nàn mắt biếc, thấy hũ me ngâm đường căng tròn chị để sẵn và mấy cây bánh tét mập ù.
Má mất vào một ngày tháng Chạp lạnh thấu xương giữa lúc quê nhà rộn ràng đón Tết. Mười bảy năm dài âm dương cách biệt, tôi chưa thôi một lần nghĩ về má và cái cửa hàng tạp hóa bé xíu trước cửa nhà mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.