33 tuổi làm bà ngoại: Sinh con được 2 tháng phải gượng dậy chăm con, chăm cháu

Hoài Nhân
Hoài Nhân
05/12/2018 13:12 GMT+7

Bi kịch bắt đầu khi Hiền làm mẹ ở tuổi 16, còn chị Vui lên chức bà trong đau đớn, ngỡ ngàng ở tuổi 33. Chị sinh con chưa tròn hai tháng thì gượng dậy chăm sóc mẹ con Hiền. Giờ, bà ngoại trẻ 'gánh' 7 phận người.

Tuổi 33 làm bà ngoại trong ngỡ ngàng, đau đớn
Một chiều tối, tôi lân la tìm đến căn nhà của chị Trương Thanh Vui (36 tuổi) trên đường Nguyễn Thị Tràng (phường Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM). Tất cả thông tin có được chỉ là vài dòng trong một bài viết ai đó chia sẻ trên mạng xã hội: căn trọ nhỏ xíu, phía sau cửa hàng quần áo thời trang. May thay, cũng có một người dân gật đầu: “Mẹ con nhà này hả, ở đằng kia. Cái nhà ấy rất nghèo...”
[VIDEO] Một phận đời nghèo giữa Sài Gòn
Phải đến lần thứ 3, tôi mới nhìn ra lối vào nhà kẹp giữa 2 bức vách. Cái lối vào tí tẹo, xe máy không chui lọt, thoáng mùi mưa ẩm thấp. Sâu bên trong có 2 căn phòng sáng đèn, tiếng trẻ con í ới. Mỗi căn rộng chẳng tới 10 mét vuông, nhưng đang là nơi nương náu của 7 con người.
Tấn bi kịch bắt đầu bằng một đứa trẻ tên Vui. Chị chào đời, rồi bị vứt đâu đó gần đường ray xe lửa, được một đôi vợ chồng nhặt về chăm sóc. Chị theo chồng sớm, chỉ 17 tuổi đã sinh con, một cô con gái kháu khỉnh tên Hiền. Hiền lên 10 thì lại đón thêm đứa em tên Diệu, những cái tên của những điều tốt đẹp.
Lối vào căn trọ cạnh cửa hàng quần áo ở số 43B Nguyễn Thị Tràng (Q.12, TP.HCM)
7 con người trong 2 căn phòng trọ xập xệ, đều là nữ. Họ là những nhân vật trong một tấn bi kịch cuộc đời…
Chồng chị phụ hồ, chị đi làm thuê, ngày đêm lo miếng cơm manh áo, đối mặt với cái nghèo đeo đẳng. Chị lại mang thai cô con gái thứ ba. Chỉ ngộ là, chị không ốm nghén gì, mà cô con gái lớn 15 tuổi cứ hay mệt, nghe mùi lạ là ói. Tưởng cảm sốt thông thường, chị mua thuốc, cạo gió cho con. Mãi không hết, chị dắt cô bé vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh án Hiền đơn giản: có thai 5 tháng.
Mọi thứ tối sầm với chị, với cô con gái chưa tỏ chuyện đời. Tối như cái hôm Hiền uống ly nước của cậu bạn trai mời. Lần ấy, em chỉ nghĩ đi chơi bình thường, chẳng biết ly nước em uống thì bất thường. Lúc em tỉnh dậy, đã không thấy gã xấu xa kia đâu nữa. Hắn ta trốn biệt tăm, để lại em và câu chuyện giấu kín. Để rồi giờ đây, câu chuyện được kể trong nước mắt của hai mẹ con, nơi khuôn viên bệnh viện.
Hiền có thai. Cô bé lên chức mẹ, còn chị Vui lên chức bà. Nhận vai vế thiêng liêng của người phụ nữ, mà sao chẳng ai vui
Cái thai quá lớn, một sinh linh đã rõ hình rõ dạng. Chẳng ai dám nói chuyện bỏ đi, cả y bác sĩ, cả vợ chồng chị Vui, cả Hiền. Biết mọi thứ quá sức với cô con gái mới lớn, chị Vui ngày ngày canh chừng con, khuyên răn đủ điều: “Mọi thứ cũng lỡ, bây giờ con ráng sống với mẹ, với ba. Đứa nhỏ không có lỗi, con càng phải sống để chăm sóc nó”.
Rồi chị Vui sinh. Chưa đầy 2 tháng sau, chị đã tay xách nách mang vào viện chăm Hiền sinh
Đứa trẻ không cha chưa đủ tháng đủ ngày, chưa đầy 2 kg, cơ thể yếu ớt và sự sống mong manh như cái tên Tường Vi của nó. Một cô gái tròn 16 tuổi đã làm mẹ. Một người phụ nữ 33 tuổi đã làm bà.
Nỗi buồn cứ bám víu đời chị Vui
Trong căn phòng trộn lẫn đủ thứ mùi thức ăn, tã sữa,… tấn bi kịch kéo dài càng làm tôi ngột ngạt. Cách đây cũng lâu, sức khỏe anh Bảo (chồng chị Vui) đột ngột giảm sút không thể lao động. Anh bị phát hiện mắc bệnh lao rất nặng, những con ho sùng sục khiến anh không thể vào nhà nữa.
Đêm đêm, chị đưa anh chiếc giá võng nằm ngoài hàng hiên của một nhà nào đấy. Ban ngày, anh lang thang ở trạm xe buýt, chiều vào nhà tắm công cộng. Suốt nhiều ngày như thế, cho đến lúc một người tốt bụng biết chuyện và đưa anh vào bệnh viện chạy chữa. Giờ anh ở trong đấy một mình.
Căn nhà còn lại 7 người, gồm bà Hoa (60 tuổi), mẹ anh Bảo, chị Vui cùng 4 cô con gái (Hiền (19 tuổi), Diệu (10 tuổi), Nhi (3 tuổi), My (4 tháng tuổi)) và cháu ngoại là Tường Vi (3 tuổi). Trong câu chuyện, nhiều lần tôi gọi loạn xạ những ngôi thứ. Bởi vì, những phận người 3 thế hệ trước mặt tôi, đang mang những vai vế mà không một người ngoài nào thích nghi ngay được.
Một ngày của gia đình chị Vui bắt đầu từ tờ mờ sáng. Chị lọc cọc đạp xe chở một đứa trẻ đi bớt. Hơn 1 tiếng mới đến được chỗ làm, chị dọn dẹp nhà cửa cho người ta rồi trở về dọn dẹp nhà mình. Xong xuôi, chị lại ra một hàng ăn gần nhà rửa chén thuê.
Chiều tối, hễ ai ở đâu kêu gì chị lại tất tả đi ngay. Vì cơm áo của những con người trong nhà chị, được tính bằng ngày.
Gia đình không thường có bữa cơm chung, vì hôm còn gạo, hôm không. Ngày thì mì gói, ngày thì khoai luộc, ngày thì hai bữa gộp chung.
Những vai vế trong gia đình ấy là một câu chuyện của số phận
Gia đình chị Vui thường không có bữa cơm chung
Tia sáng duy nhất là nụ cười vô tư của đám nhỏ
Tôi hỏi Diệu, cô bé gầy gò nhưng lại sớm ra dáng một người chị khi lăng xăng phụ mẹ chăm em, rằng em có mơ ước gì không. Trong những câu chuyện về cái nghèo tôi gặp, tôi vẫn thường hay hỏi những đứa trẻ như thế. Vì tôi luôn muốn thấy và cho mọi người thấy những hy vọng giữa cuộc sống khó khăn, đang đợi chờ được thắp lên.
Cô bé thao thao, mắt sáng lên: “Con muốn được đến trường. Vì cái cô đang dạy chữ cho con nói, con phải học giỏi, mới làm được nhiều tiền. Học xong con sẽ làm công ty, hoặc đi cắt chỉ cho người ta. Có tiền con sẽ phụ ba mẹ, phụ bà nuôi các em con”.
Yến Nhi và Tường Vi
Hai dì cháu Nhi, Vi vẫn quây quanh tôi giỡn ì ầm. Những nụ cười hồn nhiên tự dưng làm tôi thấy dễ chịu trong căn phòng nhỏ. Ít ra, chúng vẫn còn chưa biết về những gì tối tăm mà người lớn đang đối mặt.
Điện thoại chị Vui đổ chuông, người ta giục mẹ con chị đến giặt đồ. Vì gần nhà, chị đưa cả những đứa lớn đi cùng, để bớt ồn ào cho bà Hoa ru bé My ngủ.
Những đứa trẻ nắm tay nhau cười vang vọng trên đường. Những cái bóng đổ dài dưới hàng đèn đêm vàng vọt, đen như cái nghèo vận lấy phận người.
Chị Vui chưa dám nghĩ đến điều gì khác những bữa cơm no đủ cho cả gia đình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.