80 tuổi 43 năm bị kết án oan: Mất danh dự là cái mất đau đớn nhất

10/08/2016 19:00 GMT+7

Trong căn nhà của tử tù 43 năm bị kết án oan sai Trần Văn Thêm có một khung gỗ cũ kỹ treo những tấm ảnh phai mờ, tấm nào cũng in dòng chữ: 'Không có gì quý hơn độc lập tự do'.

Sáng sớm nay, 10.8, cụ Trần Văn Thêm phải đến bệnh viện khám bệnh, chứng đau đầu, đau khớp của cụ ngày càng tái phát dữ dội. Đêm trước, cụ nói với con dâu, “luộc cho bố 2 quả trứng, 1 quả bố ăn bây giờ, quả kia sớm mai bố ăn”.
[VIDEO] Lời kể đẫm nước mắt của bà Xuân, con gái tử tù 43 năm bị kết án oan sai
Thực hiện: Thúy Hằng - Lê Nam
Nhiều năm nay, cụ Thêm tiều tụy đi thấy rõ, có bữa cụ chỉ húp một bát cháo nhỏ nhưng không hết. Bà Trần Thị Xuân, con gái lớn của cụ Thêm cho chúng tôi hay, bà mua sẵn cho bố mình một thùng cháo ăn liền để ông tiện khi đói sẽ ăn, nhưng bố ăn mãi vẫn chưa hết. “Mấy hôm nay, được minh oan, ông vui lắm, gặp ai cũng khoe, thấy dáng bố liêu xiêu, gần đất xa trời mới được giải oan, tôi thương thắt ruột”, bà Xuân nói.
Con gái Trần Thị Xuân của ông Trần Văn Thêm, 80 tuổi, bị kết án oan 43 năm kể về cha mình Ảnh Lê Nam
Họ hàng từ mặt nhau vì án oan sai
Ông Trần Văn Thảo, cháu gọi cụ Trần Văn Thêm là chú cho chúng tôi biết, từ năm 1970 cụ Trần Văn Thêm bị bắt và tạm giam ở Phú Thọ, năm 1973 thì bị kết án về tội giết người, cướp của, tuyên án tử hình, gia đình cụ Trần Văn Thêm và gia đình cụ Nguyễn Khắc Văn, em họ cụ Thêm (người bị một người khác giết chết năm 1970) không nhìn mặt nhau.
Bố đẻ cụ Thêm, cụ cố Trần Văn Đối đang khỏe mạnh, chỉ một năm sau con bị bắt vì nghi vấn giết em họ, cụ đổ bệnh mà chết hồi cuối năm 1970, cái chết đau đớn và tức tưởi.
“Dù chúng tôi đều biết cụ Thêm hiền lành, chân chất và giữa cụ Thêm, cụ Văn không có gì xung đột, tất cả đều nghèo đói nên mới phải tha hương để kiếm ăn, thế nhưng khi tòa tuyên án cụ Thêm giết em họ, họ hàng nhà cụ Văn đều sửng sốt bàng hoàng. Họ hận cụ Thêm. Cho đến khi cụ Thêm được ra tù, nhưng chưa có giấy tờ chứng minh cụ vô tội, các con bên đó vẫn ám ảnh và không thể quên cái chết tức tưởi của bố mình nên vẫn giữ mối thù với nhà bên này”, ông Trần Văn Thảo kể.
Cụ Trần Văn Thêm 80 tuổi, bị oan sai 43 năm Phương Loan
 
Cụ Thêm và cháu gái trong một tấm ảnh gia đình
Bà Trần Thị Xuân, con gái cả của cụ Thêm buồn bã: “Hai gia đình cửa không qua, nhà không lại trong đằng đẵng hơn 40 năm qua. Vợ cụ Văn chết vẫn không nhìn mặt bố tôi. Mấy người con của cụ Văn nhìn thấy em tôi, cậu Trần Văn Lộc bị ngớ ngẩn, nghễnh ngãng thì còn đe dọa sẽ giết chết. Chúng tôi ôm nỗi khổ tâm mấy chục năm trời”.
Cũng theo bà Trần Thị Xuân, từ ngày bố vào tù, bà luôn canh cánh những nỗi buồn không yên. Nhiều người ác ý vẫn thầm thì sau lưng bà, rằng bố bà là kẻ giết người. Cụ Trần Văn Thêm vẫn còn đủ mọi quyền công dân khi ra tù, được đi bầu cử các kỳ, được tham gia mọi hoạt động tại thôn, xã, thế nhưng những hận thù, những nỗi đau giằng xé trong lòng người đàn ông mất gần nửa thế kỷ sống trong nỗi oan sai không thể đo đếm hết.
“Danh dự là thứ không thể mua bằng tiền”
Ông Trần Văn Mão, cháu ruột cụ Trần Văn Thêm cho biết mười mấy năm qua, ông giúp cụ Thêm đi gửi giấy tờ, công văn kêu oan khắp nơi. Ngày lại ngày, thấy số đơn thư chú mình gửi đi ngày càng nhiều, tin tức cũng biệt tăm mà chú không biết chết lúc nào, ông Mão đau lòng vô cùng.
Bà Trần Thị Xuân, con gái cụ Thêm nói trong nước mắt: “Bố tôi đã được giải oan, những nỗi đau vật chất, tinh thần của bố tôi và cả gia đình gánh chịu hơn bốn chục năm qua không thể bù đắp bằng tiền. Danh dự là thứ không thể mua bằng tiền và chuộc bằng tiền. Điều mà chúng tôi hạnh phúc nhất là đòi lại được công bằng, được danh dự cho bố tôi và cả gia đình, để chúng tôi có thể ngẩng cao đầu khi bước đi giữa đời”.
Ngôi nhà không có gì đáng giá của cụ Trần Văn Thêm
Hai ngày qua, rất đông phóng viên báo chí về gia đình cụ Thêm để tìm hiểu vụ việc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.