85% người Hà Nội được hỏi ủng hộ hạn chế xe cá nhân

24/03/2017 20:16 GMT+7

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT, cho biết qua khảo sát trực tiếp hơn 16.000 người, có tới 85% ý kiến đồng thuận hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội.

Tại cuộc tọa đàm "Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" do báo Giao thông tổ chức diễn ra sáng 24.3, ông Lê Đỗ Mười cho biết, để hạn chế ùn tắc, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang cùng với Sở GTVT TP.HCM và Hà Nội xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.
Cụ thể, theo ông Mười, trong số 16.000 ý kiến tham gia tại Hà Nội, 85% ý kiến đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung vào các quận nội thành. 96% người được hỏi ủng hộ việc xử lý lấn chiếm vỉa hè. “Đây là những con số rất đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này đã có sự thay đổi rõ rệt. Riêng tại 2 thành phố lớn, nếu thực hiện được đúng kế hoạch đặt ra thì 5 năm nữa, mạng lưới xe buýt có thể đáp ứng 20 - 25% nhu cầu đi lại của người dân", ông Mười cho hay.
Là người ủng hộ nhiệt thành với việc hạn chế xe máy, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho hay “vô cùng cảm động khi Sở GTVT Hà Nội cam kết dự kiến loại bỏ xe máy tại một số quận nội thành, trong giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM cũng sớm triển khai lộ trình như thế. Hai đầu tàu nên đồng hành tạo thế đẩy nhanh việc này".
Về chiến dịch xử lý vỉa hè đang được 2 thành phố đẩy mạnh, theo ông Nam, vỉa hè là đất công thuộc sở hữu toàn dân, nhưng thực tế vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” của toàn dân bị đánh tráo. Lý do chính vì lợi nhuận của vỉa hè quá lớn, giá trị đất mặt phố từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có nơi lên tới hàng tỉ đồng/m2. Ông Nam đề xuất, cần thiết thì sửa đổi luật, cho phép người dân thuê vỉa hè (mức tiền thế nào thì địa phương quyết định, với các hộ chính sách, hộ nghèo, có thể là 0 đồng, 10 đồng hay bao nhiêu đó). Nhưng người dân chỉ trả một lần và không phải mất phí cho bất kỳ ai khác. Và họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, có người kinh doanh, có người mưu sinh nhờ vỉa hè, vậy nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc. Vỉa hè vừa là giao thông động nhưng cũng vừa là giao thông tĩnh. Hà Nội có quyết định số 15 quy định sử dụng hè phố theo luật Giao thông đường bộ, vì vậy vẫn phải sử dụng một phần lòng đường vỉa hè cho mục đích giao thông tĩnh. Điểm nào được cấp phép, có thể kinh doanh, đỗ xe và thu phí theo quy định, còn những tuyến đường không tổ chức kinh doanh thì để dân tự sắp xếp phương tiện giao thông, không thu phí.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, theo quy định, UBND quận, huyện được kẻ vạch và quản lý vỉa hè, người dân được tạm sử dụng vỉa hè trước nhà để kinh doanh buôn bán, để xe thì không thu phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.