Khá là bất ngờ khi lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những hạt trứng kiến. Tôi gọi là “hạt trứng” thay vì “quả trứng” bởi chúng chỉ nhỏ bằng hạt gạo, màu trắng và vàng đục tùy thuộc vào trứng non hay già.
Và tất nhiên, không phải loài kiến nào cũng có trứng ăn được. Theo lời chia sẻ của anh Vũ Anh Tuấn, người dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, người ta chỉ chọn trứng kiến vàng để chế biến món ăn.
tin liên quan
Tấm tắc măng đắng miền sơn cướcTháng tư về, mùa măng đắng chộn rộn từ đường xuống chợ đến mâm cơm gia đình. Nếu ghé miền sơn cước mùa này mà không thưởng thức măng đắng thì hẳn là một sai lầm.
Khi thấy những tổ kiến to, màu đen trên các thân cây như mít, hoa gạo, người dân sẽ tìm cách lấy nguyên cả tổ kiến, sau đó tách ra để đàn kiến tản ra ngoài. Thường thì vào độ tháng tư, trời nắng to, kiến đẻ trứng nhiều nên việc thu hoạch trứng cũng dễ dàng hơn.
Sau khi giũ tổ kiến để trứng rơi xuống chiếc mẹt, mớ trứng kiến sẽ được sảy để bong hết bụi đất rồi rửa qua để chế biến thành món ăn. Người dân ở miền Tây xứ Nghệ thường nói với nhau rằng trứng kiến nhiều đạm, bổ dưỡng nên có khách quý mới đem chiêu đãi.
|
|
Có nhiều cách để nấu trứng kiến, theo lời của người dân xứ Nghệ, ví như trứng kiến xào đọt bí ăn kèm bánh đa, xôi trứng kiến, trứng kiến cuốn lá lốt…Còn tôi, lần đầu tiên trong đời được thưởng thức món ăn từ trứng côn trùng này là canh trứng kiến nấu măng chua.
Cách nấu món này cũng khá đơn giản. Người nấu chỉ cần phi hành mỡ rồi đảo sơ phần măng chua cho ngấm gia vị sau đó chế lượng nước vừa đủ. Khi nồi măng sôi thì nhanh tay cho trứng kiến vào, dùng đũa khuấy nhẹ, chờ sôi vài 3-5 phút thì tắt bếp. Nồi canh trứng kiến sẽ dùng lá lốt để làm dậy mùi.
Bát canh trứng kiến thơm, khi ăn có vị ngọt, béo ngậy của trứng lẫn vị chua nhè nhẹ của măng. Cho thìa trứng canh vào miệng nhai, trứng kiến vỡ nhẹ trong miệng nên có vẻ ai ăn món này cũng muốn nhai chậm rãi một chút để thưởng thức sự thú vị của đặc sản miền núi này.
Tuy canh trứng kiến rất lạ và ngon nhưng có thể nói là “kén” người ăn. Đặc biệt, với những người nhạy cảm, dễ dị ứng với các món nhộng.
Người dân vùng núi thường thu hoạch trứng kiến vừa để có món ngon mời khách lại có thể kiếm thêm thu nhập khi giá bán có thể từ 300– 500.000/kg tùy vào thời điểm. Với nhiều vị khách miền xuôi, một lần thưởng thức món ngon từ trứng kiến thì sẽ nhớ mãi hương vị núi rừng.
Bình luận (0)