Bạc má nhưng không bạc lòng

03/11/2018 20:32 GMT+7

Cá bạc má còn có tên gọi “cá thu Ấn Độ”. Vào độ tháng ba đến tháng sáu và tháng chín đến tháng mười một, cá bạc má rộ lên như rươi. Mỗi lần di chuyển, cá đi thành từng đàn, ngư dân đánh thường trúng lớn.

Trời chuyển sang đông, bờ biển sáng nay mây đặc quánh, vắng tanh, bỗng chốc sáng bừng sức sống khi gần chục chiếc thúng bãi ngang cùng cập bến.
Người ngược sóng đẩy thúng vào, kẻ cắp rổ lao nhanh ra khỏi bờ. Trong tiếng sóng xô rầm rì, tôi nghe rõ giọng ngư phủ: “Trúng luồng cá bạc má, nhiều vô kể nhé. Bạc má nhưng không hề bạc lòng các chị hỉ!”. Từng ký cá bạc má quý giá trong mùa bão biển nhanh chóng lên bờ đi các ngả chợ với những nụ cười giòn tan, vang cả một góc trời nhạt nhòa mưa.
Hồi chưa biết xách giỏ ra bến cá, tôi thường lẫn lộn hai loại bạc má và cá nục dẫu má đã giảng cả chục lần bài học giản đơn: “Cá nục dáng thon dài, tròn, da xanh, vây nhỏ; còn cá bạc má thân hình thuôn dài, hơi dẹt bên, da sáng lấp lánh từ đuôi đến đầu”. Dần dần, bản năng của một đứa con gái mới lớn, tôi nhiều lần mon men tìm hiểu, biết cách phân biệt rồi đến khi rành chế biến lại đâm ghiền con cá có tên ngồ ngộ như nghiện vị biển mằn mặn, chan chát.
Cá bạc má còn có tên gọi “cá thu Ấn Độ”. Vào độ tháng ba đến tháng sáu và tháng chín đến tháng mười một, cá bạc má rộ lên như rươi. Mỗi lần di chuyển, cá đi thành từng đàn, ngư dân đánh thường trúng lớn. Chính vì vậy, tuy giá thành không làm người dân ngại đắt như cá thu, cá hồng… nhưng với số lượng lớn, cá bạc má chưa bao giờ phụ lòng ngư dân và vẫn chiều được xu hướng ưa cá bãi ngang của các nhà “nội tướng”.
Ngoài trời mưa tầm tã, bao bọc cả làng chài quê tôi trắng xóa. Chưa tới giờ trưa nhưng luẩn quẩn đâu đây mùi hương nồng nàn từ mẻ cá bạc má kho làm xóa tan hơi lạnh đang cố lồng qua khe cửa khiến cho mái tôn kêu phành phạch. Tôi chắc chắn còn có cả tô canh chua bạc má tràn sắc màu hay đĩa bạc má nướng làm hửng cả mũi đang an vị đâu đó trong mâm cơm khắp miền quê xứ biển.
Cả ba món phổ biến trên về phương thức chế biến đều không cầu kỳ, chỉ lấy độ tươi, sạch, bổ dưỡng của cá làm trọng. Ví như món kho, cá vừa mới đánh bắt lên, làm sạch, để ráo nước, cho vào xoong ướp chút muối, sẵn tay thêm vài lát ớt rồi cứ thế kho tùy chỉnh độ nước trong nồi theo sở thích từng nhà. Hoặc muốn chế biến cầu kỳ tô canh chua cá bạc má cũng không thể vì thịt cá sẽ nát và mất chất.
Chỉ cần thả vài lát cà chua, vài lát dứa vào nồi nước đang sôi rồi cho cá vào chừng vài ba phút, nêm nếm vừa ăn. Riêng món nướng chỉ cần nhóm được bếp than đỏ hồng xem như đã xong vì cứ nguyên con mà lật qua, lật lại canh đúng lúc cá vàng lựng, mùi thơm từ trong thịt nứt da bay ra là không ngại chờ gì nữa.
Nếu có ai hỏi điều gì trong tuổi thơ làm tôi nhớ nhất thì chắc hẳn tôi sẽ trả lời bến cá mùa đông nhầy nhụa nỗi nhọc nhằn vất vả và rổ cá bạc má ngồn ngộn, tươi rói lấp đầy phút khát lòng vòi vĩnh một món quà vặt hay đồ chơi xa xỉ. Dù không hứa hẹn nhưng vị cá dân dã, bình dị, ngọt ngào ấy vẫn cứ mãi song hành cùng tôi theo năm tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.