Bất chấp lệnh cấm, xe máy vẫn lao vào đường cao tốc

Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc xảy ra do người tham gia giao thông ngang nhiên phóng xe máy trên các tuyến cao tốc, và tình trạng này vẫn chưa dừng lại.

Mới đây nhất, lúc 11 giờ 20 ngày 16.10, tại Km 14+ 700 trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nam thanh niên điều khiển xe máy theo hướng Lào Cai - Hà Nội đã đâm vào ôtô. Vụ va chạm khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ, phương tiện hư hỏng nặng.
Trước đó, 15 giờ ngày 7.10, trên đường vành đai 3 (cao tốc) Pháp Vân đi Mai Dịch, anh Hoàng Văn Q. (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) điều khiển xe máy Dream đã tự đâm vào chiếc ô tô bán tải hỏng đang đỗ ven đường. Hậu quả, nam thanh niên này cũng tử vong tại chỗ, xe máy bị vỡ vụn.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, vành đai 3, cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, Hà Nội - Thái Nguyên… đều từng xảy nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến xe máy. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy do thanh niên, phụ nữ cố tình len lỏi vào các tuyến đường cấm trên cao tốc, ngay cả đoạn đường vành đai 3 trên cao tại Hà Nội.
Theo quan sát trên đường vành đai 3 khu vực gần cầu Mai Dịch - Cầu Giấy hay lối lên xuống cao tốc gần đại lộ Thăng Long..., lối lên khu vực Thanh Xuân - Khuất Duy Tiến luôn diễn ra tình trạng đón trả khách ngang nhiên, lộn xộn. Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản yêu cầu Công an Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi gây mất ATGT ở đường vành đai 3 trên cao. Nhưng trên thực tế, nhiều xe máy, người đi bộ, kể cả xe máy vẫn bất chấp lệnh cấm tự do đi lên đường cấm này ở cả hai hướng Linh Đàm - Mỹ Đình.
Trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, xuất hiện nhiều tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách, kéo theo đội ngũ xe ôm dừng đỗ, chạy lộn xộn trên cao tốc. Nhiều tài xế xe ôm thản nhiên chạy xe ngược chiều, bất chấp đầu lối rẽ từ các nút giao lên tuyến cao tốc này đã dựng biển “cấm xe máy, xe thô sơ, người đi bộ vào cao tốc”.
Xử lý quyết liệt mới chấm dứt
Theo Trung tâm giám sát giao thông, Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc VN, dù đơn vị quản lý cao tốc đã có nhiều biện pháp ngăn chặn quyết liệt, nhưng vẫn có tình trạng có một số nhóm phượt, người nước ngoài đi xe máy theo hệ thống GPS đã lạc vào tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, gây mất ATGT. Chưa kể, một số trường hợp người dân địa phương cố tình đi vào cao tốc, xe ôm vào đón khách tại các nút giao, trạm thu phí... Theo thống kê hồi đầu năm, mỗi tháng có khoảng 50 - 60 trường hợp xe máy đi vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 30 - 40 trường hợp đi vào tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, các trường hợp này đều bị xử phạt và yêu cầu ra khỏi cao tốc.
Đại diện đơn vị quản lý khai thác và bảo trì tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cho biết, theo nghị định 46, xe máy không được phép lưu thông trên hệ thống đường cao tốc, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, trường hợp gây ra tai nạn, sẽ nâng lên từ 2 - 4 tháng. Tuy nhiên, vẫn có người tham gia giao thông cố đi xe máy vào đường cao tốc, bất chấp quy định, biển báo cấm và đơn vị quản lý tuyến nhắc nhở, ngăn cản, lực lượng chức năng đã xử lý.
Theo cán bộ này, các phương tiện đi trên cao tốc lưu thông với tốc độ cao, nên khi xảy ra tai nạn thường rất thảm khốc. Người tham gia giao thông tuyệt đối không đi xe máy vào cao tốc để bảo đảm an toàn cho bản thân mình và những người đi đường. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng này, lực lượng CSGT và UBND các địa phương cần vào cuộc quyết liệt thì mới chấn chỉnh được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.