Bất ngờ thấy ba đang trụ lại Sài Gòn giữa dịch Covid-19: Con trai gửi tiền từ phương xa

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
06/08/2021 13:07 GMT+7

Bất ngờ thấy ba mình đang trụ lại tại Sài Gòn giữa dịch Covid-19 thông qua bài viết trên báo Thanh Niên , anh T.A chỉ còn biết nhờ phóng viên Thanh Niên đến gửi tận tay ba mình một ít tiền để cầm cự trong khoảng thời gian ở yên tại Sài Gòn góp phần chống dịch.

Sau bài viết Ở yên tại Sài Gòn giữa dịch Covid-19: Mì gói và tô cơm ngon được nhiều người mang đến đăng tải trên Báo Thanh Niên, PV nhận được cuộc điện thoại của anh T.A được gọi từ nước ngoài. Anh T.A (28 tuổi) hiện đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan được 4 năm. Anh A. là con ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi), một trong 4 người thợ hồ cùng các ông Nguyễn Khắc Bính (57 tuổi), ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi) và con trai 18 tuổi của ông Gấm đang trú tại một lán ngay công trình. 

4 thợ hồ từng ăn mì tôm 2 tuần đã được tiêm vắc xin Covid-19

Theo ông Bính vào TP.HCM làm phụ hồ đã nhiều năm, ông Gấm cho biết vì làm việc ở quê cả năm mới được trả lương một lần, nhiều khi gặp phải lừa đảo xem như mất trắng. Vào Sài Gòn tuy xa xôi nhưng phát lương theo tuần, tiền lương cũng cao hơn, một ngày công hơn 300.000 đồng.

Ông Gấm, ông Bính và ông Kỳ phải ăn ngủ tại lán

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Con trai ông Gấm học đến lớp 9 thì bỏ học theo ông đi phụ hồ. Không khóc vì phải chịu khổ, ông Gấm rơi nước mắt vì nghĩ rằng mình là người cha mà hằng ngày nhìn thấy con đi làm phải chịu khổ cùng mình. Ở nhà ông còn mẹ già với một đứa con học lớp 5, cả nhà đều trông chờ vào số tiền ông đi làm thuê.

Lán được che tạm bợ bởi tấm bạt lớn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ngoài 2 người con hiện tại, ông Gấm còn có một người con với vợ trước là anh T.A. Vì không muốn gia đình lo lắng, ông Gấm và những người đồng hương “cắn răng” giấu việc phải ăn mì gói, kể cả anh T.A, con dâu và cháu nội.
Kể lại, anh A. cho biết vô tình thấy người thân ở quê chia sẻ bài viết về những người thợ hồ đang ở yên tại Sài Gòn vì công trình ngừng thi công, không có xe khách để về quê. Không kìm được nước mắt khi nhìn thấy ba mình gầy gò, khắc khổ xuất hiện trong bài viết, anh A. nhờ một người bạn hiện đang sinh sống tại Biên Hòa (Đồng Nai) liên hệ để gửi tiền.

Ước mơ của 4 thợ hồ kẹt lại Sài Gòn, 2 tuần ăn mì tôm qua bữa

“Chỉ cần ba khỏe mạnh để con có quê mà về”

Anh A. hiện đã lập gia đình có hai con nhỏ và sinh sống tại Hà Đông. Ba mẹ anh ly hôn từ lúc anh còn nhỏ, sau này cả hai đều đi thêm bước nữa. Ông Gấm ở huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), anh A. ở huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cùng với mẹ.
“Từ khi biết nhận thức đã không còn bố ở bên cạnh. Bản thân mình và ba cũng ít khi trò chuyện với nhau, một năm nói chuyện được vài ba lần. Mình là người sống tình cảm, dù ít khi nói chuyện nhưng mình luôn nghĩ đến ba”, anh bày tỏ.

Ông Gấm nấu đồ ăn cho mọi người trong lán

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Thấy ông Gấm cả đời vất vả, anh A. nhiều lần mong muốn được phụ giúp tài chính nhưng ông Gấm đều từ chối vì sợ làm phiền đến con trai. Số tiền anh gửi từ nước ngoài về ông Gấm đều gửi trả lại. “Thấy ba ở đó phải ăn mì tôm suốt 2 tuần rồi còn khóc nữa mà không làm được gì, mình rất xót xa. Thật sự mình không mong muốn ba mẹ cho mình cái gì, mình tự lập sớm nên chỉ mong ba mẹ luôn khỏe mạnh để mình có quê hương mà về”, anh A. nói qua điện thoại.
PV quay trở lại thăm 4 thợ hồ bị mắc kẹt tại công trình, sau nhiều ngày được ăn cơm đầy đủ, ông Bính, ông Gấm và ông Kỳ đều tươi tỉnh hơn trước. Ông Bính ra đầu ngõ mua thuốc, ông Gấm rục rịch chuẩn bị cơm trưa còn ông Kỳ ngồi trong lán gọi điện cho gia đình.

Ông nhìn hai cháu mà mắt rươm rướm nước mắt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bản tin Covid-19 ngày 6.8: Cả nước 8.324 ca Covid-19, chờ tin mới từ vắc xin "made in Việt Nam"

Đợi lúc ông Gấm nghỉ tay tôi đưa ông Gấm số tiền con trai ông gửi từ nước ngoài. ông Gấm một lần nữa bật khóc, ông gạt nước mắt tâm sự dù khó khăn bao nhiêu cũng không muốn phiền đến vợ con.
“Cả đời mình chưa lo được gì cho nó, giờ nó có gia đình, nhà cửa còn chưa có chưa ổn định mà cứ đòi phụ giúp mình sao mình nhận được. Tết nhất cũng đòi gửi tiền về”, ông lau nước mắt. Nói rồi, ông Gấm mở điện thoại, mở hình con trai và cháu nội ra xem. Ông nói: “Con trai thì không nhắn nhưng con dâu thì nhắn thường hơn, kể về hai cháu cho ông nội nghe”.
Ông Gấm tâm sự ông vốn ít nói lại ngại thể hiện tình cảm, rất thương con nhưng để trong lòng. Anh A. giống ông nên cũng ít nói nhưng vẫn luôn quan tâm, chăm sóc cho người nhà. Tình cảm của hai cha con ông Gấm là dù không ai nói với ai câu nào nhưng không bao giờ bỏ mặc nhau lúc khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.