Ông Hoàng Giáng Sinh cho biết: Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (SGX) cũng phát hiện được hiện tượng nước đen tại khu vực bến cảng nội bộ vào sáng 25.2.2021, ngay sau đó đã chủ động tìm hiểu thực tế tại hiện trường.
“Hiện tượng nước đục ở khu vực cầu cảng nội bộ không liên quan đến hoạt động vận hành thường xuyên của nhà máy, vì toàn bộ lượng nước xả thải từ quy trình xử lý bùn thải đã được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải (XLNT) đạt tiêu chuẩn đăng ký với cơ quan chức năng”, ông Sinh nói.
Ông Nguyễn Thành Mỹ (ngụ ấp 1, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: Bà con ở đây lâu lâu nghe bay mùi hôi từ SGX qua và phản ánh với họ thì trong vòng 15 phút không còn mùi. Nước ô nhiễm gây nên tình trạng cá chết trước đây và cả nguồn nước đen phát hiện trước đó cũng cần phải có chuyên gia nghiên cứu, kiểm tra cho chính xác.
Bà H.T.N (ngụ ấp 3, xã Đa Phước, H.Bình Chánh) thông tin thêm: “Ngày 25.2, tôi thấy nước đen chảy ra từ khu vực SGX và cá chết lai rai nên phản ánh trên báo như vậy. Bây giờ thì không còn thấy nước đen và cá chết nữa”. Ngày 26.2, chúng tôi đến UBND xã Đa Phước và UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) để nêu những vấn đề mà người dân phản ánh cũng như tìm hiểu các hoạt động kiểm tra, giám sát môi trường. Chính quyền xã và huyện hứa sẽ sớm phản hồi bằng văn bản cho Báo Thanh Niên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy. |
Cũng theo ông Sinh, từ cuối tháng 1.2021, nhà máy đang trong giai đoạn tiến hành nạo vét đáy kênh khu vực bến cảng nội địa, khiến tầng đáy của khu vực này bị xáo trộn nghiêm trọng, bùn đất lắng mặt đáy rất dễ bị khuấy đảo, nhất là khi mức độ sử dụng các phương tiện như sà lan, xáng cạp gia tăng trong đợt nạo vét. Ngay sau khi báo chí phản ánh, sáng 3.3, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an TP.HCM đã đến làm việc, kiểm tra trên hiện trường. Kết quả kiểm tra xác nhận: Xung quanh khu vực bờ của bến cảng nội bộ nơi mà người dân phản ánh, không có hệ thống ống xả nước thải của nhà máy, nước tại đây bình thường không có dấu hiệu của việc xả nước thải màu đen...
“Chúng tôi luôn xác định tuân thủ đúng các quy định của pháp luật môi trường, đảm bảo hoạt động của nhà máy phù hợp với tiêu chuẩn và quy trình quản lý, giữ gìn môi trường tự nhiên bên trong và xung quanh nhà máy. Với cộng đồng dân cư sống gần nhà máy, chúng tôi luôn ý thức hợp tác và hỗ trợ để không gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân. Với tinh thần đó, sau khi phát hiện tình trạng nói trên, nhà máy chúng tôi đã gia tăng các hoạt động quan trắc và giám sát ở khu vực này. Kết quả quan trắc liên tục cho thấy nước kênh ở khu vực này bình thường như nhiều chỗ khác”, ông Sinh nói thêm.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quy trình XLNT, ông Hoàng Giáng Sinh cho biết: Công nghệ XLNT của SGX là công nghệ sinh học với công suất 500 m3/ngày đêm. Chủng loại nước thải phát sinh là nước thải rửa xe, nước từ các nhà vệ sinh, nước thải từ quá trình tách bùn của hệ thống xử lý bùn duy tu. Các loại nước thải này phù hợp với công nghệ mà SGX đã đầu tư xây dựng hệ thống. Công suất vận hành thực tế của trạm XLNT khoảng 109 m3/ngày so với thiết kế là 500 m3/ngày. Điều này có nghĩa trạm XLNT hoạt động không liên tục và phải châm dinh dưỡng hằng ngày. Công nghệ của hệ thống XLNT là công nghệ sinh học nên không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng clo bột khử trùng nước thải sau xử lý cho đạt với quy chuẩn VN theo quy định. Nguồn nước sau xử lý dùng để tưới cây, rửa đường và tái sử dụng tuần hoàn cho các công nghệ khác. Mặt khác, diện tích mảng xanh hiện tại là hơn 45.000 m2 và theo quy hoạch mới sẽ tăng thêm 18.000 m2 nữa. Chỉ tính riêng cho việc tưới cây thì lượng nước sau xử lý đã không đủ để đáp ứng cho việc này.
Bình luận (0)