Bình Dương nhận hàng ngàn máy thở, máy trợ thở, máy tạo ô xy

23/08/2021 16:26 GMT+7

Ngày 23.8, Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group tiếp tục trao tặng 2.000 máy tạo ô xy lưu lượng cao cho các bệnh viện dã chiến, thu dung và trung tâm y tế tại tỉnh Bình Dương.

Những ngày qua, số bệnh nhân mắc Covid-19 mới của Bình Dương liên tục tăng cao khi tỉnh này đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, cùng với TP.HCM là hai địa phương dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19 mới.
Nhằm tiếp sức khẩn cho hệ thống y tế Bình Dương cứu chữa bệnh nhân Covid-19, Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group nhanh chóng tiếp tục trao tặng 2.000 máy tạo ô xy lưu lượng cao cho các bệnh viện dã chiến, thu dung và trung tâm y tế tại tỉnh Bình Dương.
Trước đó, Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group đã trao tặng tỉnh Bình Dương 5 máy trợ thở HFNC, 837 máy tạo ô xy lưu lượng cao, 500 máy đo nồng độ ô xy SpO2 cùng với việc hỗ trợ đưa gần 1.000 bà con từ Bình Dương về địa phương tránh dịch.
Bệnh nhân được cấp cứu lưu động bằng máy tạo ô xy lưu lượng cao

Bệnh nhân được cấp cứu lưu động bằng máy tạo ô xy lưu lượng cao

Việc cung cấp ô xy được xem là then chốt để hạn chế tối đa các ca tử vong do Covid-19 gây ra, bởi vi rút Corona khi thâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công hai lá phổi khiến bệnh nhân càng lúc càng khó thở, sức khỏe dần suy kiệt. Tạp chí Lancet - một trong những tập san y khoa có uy tín trên thế giới kết luận nếu áp dụng liệu pháp ô xy từ sớm, bệnh nhân Covid-19 sẽ tránh được việc phải đặt nội khí quản và tăng tỷ lệ sống sót.
Máy tạo ô xy lưu lượng cao, cho lưu lượng ô xy từ 5-10 lít/phút, có thể cung cấp ô xy tươi tinh khiết đến 97%. Máy chỉ nặng 5-7 kg, sử dụng bằng bảng điện tử và dễ dàng vận chuyển khẩn cấp, hỗ trợ cả những trường hợp cấp cứu bệnh nhân lưu động. Hơn nữa, máy còn dùng được đến 48 tiếng mới cần thay bình nước nhỏ trong máy, giúp giảm tải cho đội ngũ y tế trong quá trình điều trị.
Trong khi, bình ô xy lỏng (bình sắt) còn nhiều khó khăn và bất cập vì thường chỉ chứa được 4-8 lít ô xy và sau khi dùng từ 2-4 tiếng bắt buộc phải thay bình khác để đi sạc ô xy lại ở các trạm, nhưng tình trạng bệnh nhân thì không có “thời gian tạm nghỉ” để chờ ô xy. Chưa kể, khối lượng của các bình ô xy sắt thường vài chục ký nên việc vận chuyển khá khó khăn và tốn nhân lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.