Bolero cuối trời phương Nam

Bạc Liêu 15.10.2016. Đó là đêm rằm tháng chín âm lịch đúng cao điểm của triều cường nhưng may mắn thay trời không mưa, vầng trăng rằm nhẹ nhàng hiện ra sau những tầng mây thấp.

Không khí trước Nhà hát Cao Văn Lầu khá nhộn nhịp. Người vào xem nườm nượp. Các biên tập viên, phóng viên Đài phát thanh truyền hình Bạc Liêu bận rộn trên chiếc xe kỹ thuật trực tiếp truyền hình. Đó là đêm chung kết xếp hạng của chương trình hội thi Hát cùng bolero.
Sáng kiến tổ chức hội thi này là của Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu. Bolero du nhập vào nước ta, giao thoa với giai điệu bài vọng cổ Nam bộ, biến hóa ra thành một điệu thức âm nhạc mới đậm đà hồn tính dân tộc.

tin liên quan

Thu hát cho người
Người miền Trung yêu ai thì yêu say đắm, yêu đến đổ lửa như mùa gió nam se sắt, yêu đến nát ngọc tan vàng.
Bạc Liêu là cái nôi của đờn ca tài tử, là nơi phát tích của bài Dạ cổ hoài lang - tiền thân bài vọng cổ sau này. Sự giao thoa rộng rãi đó hình thành dòng nhạc bolero giản dị về ca từ, nhịp nhàng về tiết tấu, tươi đẹp về âm hình trên đất phương Nam.
Có lẽ nhạc sĩ Tây Ban Nha Sebastian Carezo sáng tạo ra điệu bolero năm 1780 cũng không nghĩ ra được điệu thức của ông lại gần gũi với điệu thức âm nhạc dân tộc của một đất nước xa đất nước ông đến vậy.
Ban đầu, những người tổ chức hội thi Hát cùng bolero Bạc Liêu 2016 chỉ mong có một sân chơi ca nhạc cho quần chúng, không thương mại hóa theo cách làm một số chương trình bolero trước đó.
Thế nhưng khi hội thi được thông báo, trên 300 giọng hát của 3 tỉnh cuối trời đất nước là Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng đã ghi danh dự thi. Quy mô của hội thi lớn lên bất ngờ, đặc biệt có những người trên 80 tuổi cũng tham gia ca hát!
Ban tổ chức phấn khởi, chia ra nhiều đợt sàng lọc để chọn lựa ra những giọng ca đẹp. Sau cùng, 15 thí sinh của 3 tỉnh đã lọt vào vòng chung kết.
Để bảo đảm tính khách quan cho hội thi, ban giám khảo được mời chấm vòng chung kết là những người ở các tỉnh, thành phố khác đến. Tôi được giao nhiệm vụ làm trưởng ban giám khảo.
Tôi trở lại Bạc Liêu nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên nghe được điệu thức bolero đậm đà phong cách dân tộc cất lên ở cuối trời phương Nam. Phong cách ấy hiện ra trong cách hát, cách nhả chữ, động tác biểu diễn trên sân khấu khá hoành tráng.
Bạn hỏi: Bolero Tây phương có liên hệ đến bolero Nam bộ như thế nào? Tôi xin trả lời: Sự giao thoa, tương đồng giữa hai dòng nhạc này rất lạ và rất tình cờ. Bolero Tây phương là dòng nhạc nhảy 4/4, không hiểu sao đi vào nước ta lại rất gần với bản nhạc nền do các nhạc công chơi để các nghệ sĩ, nghệ nhân hát bài vọng cổ sáu câu.
Nhạc nền bài vọng cổ chính là nhạc bolero 4/4 được nhồi thêm nhiều nốt hoa mỹ. Chính vì vậy mà cố soạn giả Viễn Châu đã tạo ra dạng bài tân cổ giao duyên cho hàng ngàn nghệ sĩ cải lương ca, trong đó có những đoạn tân nhạc bolero được ca trước rồi mới nối vào làn điệu vọng cổ.
Những soạn giả đi sau cụ Viễn Châu lại tiếp tục sáng tạo, đưa luôn các điệu thức ballade, moderato, thậm chí cả slow rock vào bài tân cổ giao duyên. Vì vậy, các dàn nhạc dân tộc chơi nhạc nền cải lương và bài vọng cổ lại tăng cường thêm một cây keyboard - vốn là nhạc cụ điện tử định âm, vào giữ nhịp cho các điệu thức Tây phương trên giao thoa ngọt ngào với bài nhạc nền vọng cổ Nam bộ.
Bạn hỏi: Cách ca bài vọng cổ có tạo ra ảnh hưởng đến cách hát nhạc bolero Nam bộ không? Tôi xin trả lời: Có và rất sáng tạo. Bất cứ một ca sĩ nào người gốc Nam bộ được học hành qua trường lớp âm nhạc cũng hiểu mình phải hát rõ chữ, tròn vành, đúng nhịp một ca khúc thuộc bất kỳ dòng nhạc nào và điệu thức nào theo ý định của nhạc sĩ.
Vậy nhưng khi các bạn ấy hát qua bolero thì biến báo rất mới lạ. Một là giọng hát phải đẩy đưa mềm mại, sáng tạo thêm những nốt luyến láy để âm hình ca khúc uyển chuyển hơn so với ca khúc chính thức của tác giả.
Hai là ở nốt cuối câu của một đoạn nhạc, ca sĩ không nhả chữ đúng vào phách mạnh như quy ước của nhạc pháp Tây phương mà “kéo” qua một nửa phách để chữ ấy rơi lơ lửng, tạo ra một đảo phách mới mẻ. Cách hát ấy là do vô thức của âm nhạc vọng cổ Nam bộ truyền sang tân nhạc.
Vì vậy, nếu một ai đó hát một ca khúc bolero mà chữ nào trả ra đúng chữ nấy, nốt nào trả ra đúng nốt ấy theo quy chuẩn âm nhạc Tây phương thì ca khúc ấy chưa mang hồn tính bolero Nam bộ. Đặc biệt, một số ca khúc bolero cung thứ (gamme mineure) do các nhạc sĩ gốc miền Nam viết ra trong đó quãng 6 được thăng lên một bán âm giống như thanh nhạc ngũ cung của nhạc dân tộc thì ca sĩ nên hát với cách phát âm Nam bộ mới ra hồn vía bolero!
Tôi rất vui khi được mời chấm hội thi Hát cùng bolero Bạc Liêu 2016. 15 em thí sinh vào chung kết đều chọn những bài bolero quen thuộc có nội dung trữ tình lành mạnh, không bài nào rơi vào khuynh hướng bi lụy, não tình.
Các em hát rất hồn nhiên nhưng vẫn đảm bảo được tính kỹ thuật của âm nhạc, có biến báo xử lý âm hình mềm mại cho tình cảm bài hát tạo được xúc động mỹ cảm trong lòng người xem. Dàn nhạc đệm đến từ Sóc Trăng xử lý các ca khúc khá hay, mỗi bài ra một màu sắc khác nhau nên không khí biểu diễn không hề đơn điệu chút nào.
Kết quả thật bất ngờ và khá thú vị: giải nhất là tiếng hát của em Lý Ngọc Nguyên, người Sóc Trăng; giải nhì thuộc về hai em Trương Như Ý, Bạc Liêu và Mai Thị Bảo Trân, Cà Mau. Điểm được công bố trực tiếp, không hội ý, không dàn dựng. Khán giả có mặt trong đêm diễn và xem qua truyền hình trực tiếp là những người đánh giá tinh thần, thái độ làm việc của ban giám khảo.
Hội thi tạo ra âm vang khá tích cực. Nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ đã liên hệ với Bạc Liêu hỏi về phương pháp tổ chức. Ngay cả Bạc Liêu sau khi tổ chức thành công hội thi này cũng đã muốn nâng cao tầm vóc lên, tổ chức hội thi bolero khu vực nam sông Hậu.
Có thể xem các hội thi bolero từng tỉnh hay từng khu vực là một sân chơi khá thoải mái, bổ ích và lành mạnh. Dòng nhạc bolero mang tính dân tộc và tính thẩm mỹ cao, tạo điều kiện cho các tài năng mới, các giọng hát đẹp trong thanh niên miền Tây có cơ hội thể hiện.
Ở chừng mực nào đó, có thể xem bolero là một liều thuốc chủng ngừa tinh thần khá tốt giúp thanh niên có cơ hội giải trí và xa lánh được những thứ văn hóa đồi trụy, xấu xa.
Trên 230 năm phát triển, bolero đã đi vào đều khắp các nền âm nhạc của các quốc gia. Riêng với sinh hoạt âm nhạc ở ta, bolero đã trở lại 3 năm qua, khẳng định tính đại chúng, tính bình dân, tính bác học và tính dân tộc của nó. Chỉ xin các đơn vị tổ chức các cuộc thi bolero nhớ cho rằng bolero thuộc thể nhạc 4/4 chứ không thể đưa những bài 3/4 (valse hoặc boston rock) vào, để gọi là “mở rộng”.
Khi tham gia các giải bolero, bạn nên chọn những bài có nội dung lành mạnh, tránh khuynh hướng não tình. Một số bài cung trưởng khá sang mà bạn có thể chọn hát như Bài thơ hoa đàoAi lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên); Nắng chiều và Bến giang đầu (Lê Trọng Nguyễn); Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ); Tấm ảnh ngày xưa (Lê Dinh); Tình học sinh (Thanh Sơn)…
Công chúng yêu âm nhạc cũng đang “đặt hàng” các nhạc sĩ sáng tác, mong có những ca khúc bolero mới mang tâm tình mới, giai điệu mới ra đời. Bolero là sân chơi văn hóa nghệ thuật thú vị, có thể tiến xa hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.