Liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất cà phê tại Đắk Nông sử dụng lõi pin để nhuộm cà phê, ngày 18.4, bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định pin có rất nhiều loại, nhưng loại pin cacbon là phổ biến nhất. Pin không được sử dụng để làm đồ uống bởi trong lõi pin cacbon ngoài các chất bảo quản, thành phần còn có một số kim loại nặng, tạp chất, các chất này trong lõi pin có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sử dụng.
“Kim loại nặng khi xâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương, máu…", bác sĩ Xuân cho biết.
"Tuỳ theo lượng hấp thu nhiều hay người bị nhiễm kim loại nặng có các triệu chứng khác nhau, nhưng dễ thấy nhất là những triệu chứng về thần kinh. Với người trẻ thì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, ở người lớn thì là các bệnh mãn tính như pakinson, suy thận, suy gan. “Việc sử dụng chất kim loại nặng trong chế biến thực phẩm là hành vi gây hại cho sức khoẻ cộng đồng”, bác sĩ Xuân nhấn mạnh.
PGS - TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh pin không được cho vào thực phẩm. “Trong pin có nhiều kim loại nặng, axit và nhiều thành phần hoá học có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào thì cần thực hiện các xét nghiệm mẫu cà phê bị nhuộm màu bằng pin đó”, bác sĩ Duệ nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 16.4, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông kiểm tra Cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh L., (thôn 13, xã Đắk Wer, H.Đắk R'lấp) phát hiện tại đây pha trộn tạp chất vào cà phê. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, và nhiều lõi pin và pin được đập vụn. Cơ quan chức năng đang kiểm định mẫu cà phê tại cơ sở kinh doanh này, khi có kết quả, sẽ tiến hành xử lý vi phạm.
Bình luận (0)