Các tỉ phú “không tiền” mang họ Tata

29/10/2009 12:15 GMT+7

(TNTS) Tên của Ratan Tata không có trong bất cứ bảng xếp hạng các tỉ phú nào. Nhưng ông là một trong những người giàu nhất thế giới khi lãnh đạo Tập đoàn Tata (Tata Group) được định giá gần 70 tỉ USD.

Vào năm 2008, tại triển lãm quốc tế Auto Expo tại New Delhi - Ấn Độ, Tata Group trình làng mẫu xe hơi Tata Nano, rẻ nhất thế giới với giá chưa đến 2.500 USD/chiếc, chỉ bằng giá 2 chiếc xe máy hạng nhẹ. Và ít ai biết rằng, chính chiếc xe máy là niềm hứng khởi để Ratan Tata thiết kế, sản xuất chiếc xe của dân nghèo.

“Niềm mơ ước ngàn đời”

“Tại Ấn Độ, thường thấy 4 người trên một chiếc xe máy: Ông bố lái xe, trên đùi anh ta là đứa trẻ. Phía sau là người vợ cùng một đứa con nữa. Đi như thế thật là nguy hiểm. Tôi nghĩ, chúng tôi có thể tạo ra “thứ gì đó” trên bốn bánh” - Ratan Tata giải thích với các nhà báo ý tưởng mang tính cách mạng về sự ra đời của chiếc Tata. Khi thiết kế nó, người ta đã đăng ký bản quyền 34 phát minh công nghệ mới, trong đó có động cơ 2 xi-lanh. Dù nhỏ bé, nhưng Tata cũng chở được 5 người và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các dòng xe mini của nhiều nhà sản xuất xe hơi trên thế giới.

Nhiều nhà kinh tế hoài nghi cho rằng, Tata sẽ không rẻ chút nào, bởi khi mua nó người ta còn phải đóng thuế. Nhưng Ratan đã dự liệu điều này. Ông tạo ra cuộc cách mạng thứ hai trong mạng lưới bán hàng: Không bán nguyên chiếc mà bán các bộ linh kiện rời. Các nhà bán lẻ sẽ theo sơ đồ hướng dẫn để lắp ráp rồi bán cho người sử dụng. Rẻ và hợp pháp. Hơn thế, chỉ có khung xe là bằng sắt, còn lại là vật liệu tổng hợp. Tata cũng không có máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống thủy lực hỗ trợ tay lái, không có gối phòng hộ… Nghe có vẻ không an toàn, nhưng với đất nước có hơn 1 tỉ dân như Ấn Độ, trong đó khoảng 700 triệu người có thu nhập bình quân 2 USD/ngày, thì chiếc Tata là “niềm mơ ước ngàn đời” của họ.

Người ta kể, mới đầu Ratan định đặt tên chiếc xe là One Lakh (có nghĩa là 100 ngàn rupi - tương đương 2.000 ngàn USD), nhưng sau đó ông lấy tên Tata Nano. Ai đó cho rằng chiếc xe sử dụng công nghệ nano, người khác lại nói nano gốc từ Hy Lạp có nghĩa là tí hon, chú lùn…Thực ra trong các huyền thoại phương Đông, gốc từ “nan” xuất phát từ tên của thần ánh sáng và lửa. Ông tổ của Ranta Tata vốn làm tư tế - người giữ lửa, vì thế mặt nào đó có thể hiểu nano là tia chớp, từ đó phát sinh ra ngọn lửa của cuộc “cách mạng toàn diện về xe hơi” tại Ấn Độ và sau đó sẽ là ở các khu vực khác. 

Chết giàu là nỗi nhục

 

Một nhà máy của Tata Group đang được xây dựng ở Ấn Độ - Ảnh: AFP

“Nếu bạn cầu nguyện, hãy cầu nguyện trong tâm thế mọi vật trên trái đất đều phụ thuộc vào thượng đế. Nếu bạn làm việc, hãy làm việc với tâm thế mọi vật trên trái đất phụ thuộc vào bạn” – Jamshedpur Tata, ông tổ dòng họ Tata, người đầu tiên được thừa nhận là tư tế, đã dạy như thế. Con trai của ông là Jamsetji Tata tiếp tục sự nghiệp của cha và mở mang kinh doanh. Mohandas Gandhi từng gọi Jamsetji là “Nhà doanh nghiệp kiệt xuất, có phẩm chất của một chiến sĩ, nhà yêu nước, nhà ngoại giao, nhà nhân đạo và là người khai sáng”. 

Jamsetji sinh năm 1839 tại bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ. Năm Jamsetji lên 14 tuổi, người bố đưa cậu đến Bombay (nay là Mumbai), nơi có hàng trăm gia đình tư tế sinh sống. Jamsetji được gửi vào học một trường tốt nhất của Anh tại thành phố này. Cậu bé tiếp thu các kiến thức của phương Tây và quyết định sẽ theo nghiệp kinh doanh. Không phải vì Jamsetji mơ ước sự giàu có bằng bất cứ giá nào, mà từ kinh nghiệm sống hàng bao thế hệ của dòng họ, cậu bé hiểu rằng: Chỉ có thật nhiều tiền mới đảm bảo cho mình sự tự do. 

Vào năm 1868, Jamsetji mở hãng kinh doanh và sang xứ sở sương mù, học tập kinh nghiệm ở vài nhà máy sản xuất vải. Nhưng mới chỉ có thế thì xuất hiện tin dữ: Ở Ấn Độ, bố của chàng trai trẻ phá sản. Jamsetji lập tức quay về nước với mục tiêu sắt đá là trả hết nợ cho bố và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Jamsetji mua lại một xưởng làm dầu ăn và cải biến nó thành xưởng may mặc. Đến năm 1887, Jamsetji thành lập hãng mới Tata Sons (Tata và những người con), bắt đầu phát triển kinh doanh theo dòng họ, đặt ra những nguyên tắc quản lý và điều hành được tôn trọng cho đến ngày nay tại Tata Group.   

Các thế hệ thuộc Tata Group luôn có người kế thừa xứng đáng. Tiếp theo Jamsetji Tata là con trai của ông, Dorap Tata người thành lập Công ty thép Tata và Công ty năng lượng Tata. Kế đến, người tiên phong trong lĩnh vực hàng không Jehangir Tata xây dựng hãng hàng không thương mại cho Ấn Độ dưới cái tên Hãng hàng không Tata, đồng thời mở rộng hoạt động của công ty sang lĩnh vực kinh doanh trà, khách sạn, buôn bán và đầu máy… Nếu như tìm một dòng họ ở phương Tây giống như dòng họ Tata thì đó chính là dòng họ Rockefeller ở Mỹ. Cũng cần nói thêm Tata Group là tập đoàn đầu tiên ở châu Á vào năm 1885 thành lập quỹ lương hưu. Sau đó 10 năm Tata còn trả tiền cho công nhân bị thương tật khi làm việc. Quả là việc làm tiến bộ trong thời chủ nghĩa tư bản khắc nghiệt. Hơn thế, chính Jamsetji dạy cho các thế hệ sau rằng: “Biết kiếm tiền quả là tốt, nhưng nếu chết mà là người giàu thì đó là nỗi nhục”.

Người thừa kế xuất sắc

Ratan Tata sinh năm 1937 tại Bombay. Khi Ratan lên 7 tuổi thì bố mẹ ly dị. Tuy nhiên, cậu bé đã được đào tạo một cách chu đáo để kế nghiệp dòng họ của mình: Năm 13 tuổi, Ratan bắt đầu đến các nhà máy của tập đoàn để học hỏi kinh nghiệm, rồi vào học tại trường Trung học Campion tốt nhất Bombay thời đó. Năm 1962,  Ranta nhận bằng kỹ sư kiến trúc tại Đại học Cornell, New York, Mỹ và bắt đầu làm việc cho Tata Group.

Sau gần 10 năm làm việc như một công nhân, đến năm 1971, Ratan được đề bạt làm Giám đốc Nelco - Công ty Điện tử và phát thanh quốc gia. Khi đó Nelco đang khủng hoảng thua lỗ, Ratan đã cơ cấu, tổ chức lại công ty để đến khoảng năm 1975 giành lại vị thế ban đầu. Năng động và quyết đoán, luôn đề cao tính hiệu quả, Ratan chứng tỏ là nhà lãnh đạo tài ba, người kế nghiệp xuất sắc của dòng họ nên vào năm 1991, ông được bầu làm Chủ tịch Tata Group. Và khi có quyền, ông đã biến nó thành lực để đưa Tata Group lên tầm cao mới.   

Nhận thấy cơ cấu tập đoàn quá cồng kềnh, nên trong giai đoạn từ 1994 – 2005, Ratan cắt giảm gần 80 ngàn công nhân của hãng thép Tata Steel, đầu tư nguồn vốn cho các công ty con để vực dậy vị thế của họ. Kết quả Tata Steel là nhà cung cấp thép hàng đầu thế giới với hiệu quả kinh doanh tăng rõ rệt. Dưới sự lãnh đạo của Ratan, doanh thu của Tata Group tăng trung bình trên 20 tỉ USD/năm. Năm 2006 - 2007, tổng doanh thu của tập đoàn này đạt 28,8 tỉ USD, tương đương 3,2% GDP của Ấn Độ. Vào năm 2008, giá thị trường của Tata Group gần 70 tỉ USD. Đế chế của dòng họ Tata hiện có 98 hãng, công ty hoạt động trong mọi lĩnh vực từ kinh tế cho đến dịch vụ. 

Tại 85 quốc gia, hiện có 300 ngàn người làm việc cho gia đình Tata. Tuy nhiên không một ai trong họ Tata lọt vào bất cứ danh danh sách người giàu nào của thế giới. Điều này là hợp lẽ, vì 66% cổ phiếu của dòng họ Tata đều được đầu tư vào hệ thống các quỹ từ thiện. Các quỹ này tài trợ cho các viện nghiên cứu khoa học, các quỹ văn hóa, các tổ chức của phụ nữ và các trường đại học.

Giàu có, đầy quyền hành, nhưng Ratan lại sống rất giản dị. Có lẽ do chấn thương tâm lý từ nhỏ, nên ông không xây dựng gia đình. Ông là người luôn ăn nói nhỏ nhẹ, không bao giờ cao giọng và nuôi khá nhiều chó trong nhà. Rana nói ông rất muốn làm kiến trúc sư và trở thành doanh nhân là do muốn chế tạo xe hơi. Đến nay Ratan tiếc nhất là ông không đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Bởi ông là phi công, từng lái F16 tại Triển lãm hàng không Ấn Độ vào năm 2007, lập kỷ lục là người Ấn Độ cao tuổi nhất lái máy bay chiến đấu. Gọi là cao tuổi, nhưng với đất nước của yoga và của Bà-la-môn thì một người 72 tuổi như Ratan vẫn đang ở độ chín của tài năng và sáng tạo. Những đứa trẻ của dòng họ Tata thường sống lâu và họ còn nhiều thời gian để thực hiện mơ ước của mình.

 Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.