Cận cảnh những gốc chè cổ thụ hàng trăm tuổi trên cao nguyên trắng Bắc Hà

26/01/2020 11:17 GMT+7

Những gốc chè cổ thụ hàng trăm tuổi, đã sống qua 3 - 4 thế hệ, giờ đây được người dân bảo vệ, gìn giữ như báu vật khi lá chè bán được giá cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Huyện Bắc Hà vùng cao tỉnh Lào Cai nổi tiếng là vùng trồng mận nổi tiếng. Mùa xuân về hoa mận nở trắng núi rừng nên còn được gọi là cao nguyên trắng. Nhưng giờ đây, Bắc Hà có thêm đặc sản trứ danh nữa là chè hữu cơ khai thác từ rừng chè cổ thụ, nhiều cây chè hàng trăm tuổi được các gia đình trao truyền từ đời này qua đời khác.

Chè trăm tuổi, giá trăm đô, xuất khẩu khắp châu Âu

Chè cổ thụ từ chỗ bị chặt hạ làm củi vì giá trị thấp, giờ đây đã được người dân gìn giữ như báu vật, góp phần quảng bá cho thương hiệu chè hữu cơ xuất khẩu khắp thế giới.
Anh Nguyễn Xuân Giang, Trường phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà, cho biết theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại, những rừng chè cổ thụ có từ thời Pháp thuộc. Khi lính Pháp đặt chân đến Bắc Hà đã dựng đồng ở thôn Quán Dín Ngài, xã Hoàng Thu Phố và lập đội chuyên đi hái chè cổ thụ trên rừng về sao chè, chế biến thành chè khô dành riêng cho sĩ quan.
Chè cổ thụ khi chưa thành sản phẩm hàng hoá, có thương hiệu chè hữu cơ nổi tiếng như bây giờ, cũng trải qua giai đoạn thăng trầm. Khoảng năm 1996, nhiều rừng chè cổ thụ đã bị người dân chặt hạ làm củi.
Theo thống kê, hiện giờ toàn huyện chỉ còn khoảng 40 - 50 ha chè cổ thụ nhưng phân tán rải rác ở nhiều xã, trong đó tập trung nhất ở các xã Bản Liền, Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ. Cũng theo phong tục địa phương, tuổi cây được tính theo đời người. Có những gốc chè được lưu giữ, trao truyền qua 3 - 4 thế hệ, tính ra tuổi cây chè cũng đến 100 - 200 năm.
Cũng theo ông Giang, chè cổ thụ giờ được thu mua chế biến chè hữu cơ, giá bán lá chè tươi nguyên trung bình từ 15.000 - 19.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần loại chè bình thường. Giá trị kinh tế cao, nên người dân đã có ý thức chăm sóc, gìn giữ những gốc chè này.
Cũng theo ông Giang, để bảo tồn chè cổ thụ, UBND huyện Bắc Hà có quy định yêu cầu chính quyền địa phương quản lý chặt diện tích chè, giữ nguyên hiện trạng và nghiêm cấm các hành vi mua bán, đánh chuyển, vận chuyển những cây chè này từ địa phương đi các nơi khác.
che-co-thu

Chè sống qua hàng trăm năm ở nơi khí hậu lạnh khắc nghiệt có dáng thế bon sai tự nhiên

Ảnh Phan Hậu

che-co-thu

Gốc chè cổ thụ được trao truyền qua 4 thế hệ tại gia đình ông Vàng Văn Dương, thôn Tả Củ Tỷ (xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Ảnh Phan Hậu

che-co-thu

Chè cổ thụ cây cao đến vài mét, mỗi lần hái là phải trèo vắt vẻo trên cây. Công việc hái chè chủ yếu do những người phụ nữ thực hiện

Ảnh Phan Hậu

 che-co-thu

Lá chè tươi cổ thụ được thu mua với giá cao, thu nhập ổn định, giúp người dân có ý thức bảo vệ, gìn giữ những gốc chè cổ thụ

Ảnh Phan Hậu

che-co-thu

Chè cổ thụ hữu cơ tuyệt đối không bón phân bón hoá học, thuốc trừ sâu kích thích. Lá chè được thu mua để chế biến, tuỳ theo nhu cầu có thể ướp sen, hoa cúc... Giá bán mỗi ki lô gam chè sau chế biến cao nhất lên tới 5 - 6 triệu đồng

Ảnh Phan Hậu

che-co-thu

Mùa xuân về, những cây chè cổ thụ nở rất nhiều hoa. Khi đứng gần, du khách có thể cảm nhận được mùi hương thơm mát toả ra từ những bông hoa chè tinh khôi

Ảnh Phan Hậu

che-co-thu

Ở vùng cao nguyên Bắc Hà, người dân trồng chè bằng hạt. Quả từ những cây chè cổ thụ sẽ được giữ lại để già trên cây rồi tách lấy hạt trồng mở diện tích chè

Ảnh Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.