Cần phân biệt rõ thuốc lá làm nóng khác thuốc lá điện tử

13/11/2020 18:00 GMT+7

Thực tế là nhiều người vẫn chưa phân biệt được thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Sự nhầm lẫn trong khái niệm sẽ ảnh hưởng phần nào tới việc xây dựng chính sách quản lý riêng đối với các sản phẩm này.

Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tại Hà Nội ngày 11.11. Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cùng với việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Tọa đàm được tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ

Tọa đàm được tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ

Theo các chuyên gia, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều có sự hỗ trợ của phụ kiện điện tử nên đang bị hiểu nhầm với ngôn ngữ chung là “thuốc lá điện tử”. Việc đưa ra khái niệm, định nghĩa cho từng sản phẩm sẽ giúp thống nhất cách hiểu về bản chất kỹ thuật của mỗi loại.
Ông Lê Thành Hưng - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam giải thích: thuốc lá điện tử gồm thiết bị điện tử có chức năng làm nóng thành phần dung dịch, tạo ra làn hơi có bản chất là sol khí (aerosol) có chứa nicotin. Thuốc lá điện tử có hai dạng là hệ đóng và hệ mở. Trong sản phẩm thuốc lá điện tử hệ mở, người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn. Đối với thuốc lá điện tử hệ đóng, người dùng phải sử dụng đầu chứa dung dịch được nhà sản xuất thiết kế dành riêng cho thiết bị mà không thể thêm bớt hay điều chỉnh thiết bị, do đó tránh được các nguy cơ mất an toàn.
Trong khi đó, thuốc lá làm nóng cũng có sử dụng thiết bị điện để làm nóng thuốc lá mà không diễn ra quá trình đốt cháy, không tạo khói, khi sử dụng thì thải ra phần lớn hơi nước.
Được biết, thuốc lá làm nóng khác biệt so với thuốc lá điện tử ở hai điểm mấu chốt. Thứ nhất thuốc lá làm nóng chứa hoàn toàn nguyên liệu thuốc lá và thứ hai là người dùng không thể tự ý thay đổi thành phần cấu tạo hay trộn bất cứ thứ gì khi đưa sản phẩm thuốc lá vào trong thiết bị để làm nóng.
Các chuyên gia dẫn chứng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thành phần các chất độc hại trong sol khí của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ít hơn từ 95% so với khói của thuốc lá điếu (nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Liên bang Đức về Đánh giá Rủi ro (Federal Institute for Risk Assessment - BfR) được tiến hành năm 2017; nghiên cứu của cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (Public Health England) tháng 4.2018).
Bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các Bộ, ngành. Do đó cần thiết thực hiện nghiên cứu xây dựng ban hành khung chính sách quản lý các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.
Bà Trần Tuyết Trang

Bà Trần Tuyết Trang

Về vấn đề này, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng trường hợp loại thuốc lá thế hệ mới nào có đủ các đặc tính và được coi là thuốc lá theo định nghĩa của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) thì nhất thiết phải rà soát các quy định của luật và các văn bản có liên quan.
Đến nay sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã và đang được thảo luận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá do đó chịu sự điều chỉnh của Công ước khung FCTC và tương ứng với luật PCTHTL của từng quốc gia. Được biết, Luật PCTHTL năm 2012 của Việt Nam định nghĩa “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Trên thế giới, hiện nay, hơn 55 quốc gia đã chính thức cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối trên thị trường các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Nhiều nước đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới: các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức…), các nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), các nước Liên Xô cũ (Nga, Ukraina, Kazakhstan), các nước Trung Đông (Ai Cập, Jordani, Israel), các nước châu Á (Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia…). Trên bình diện quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Trung tâm hợp tác nghiên cứu khoa học về thuốc lá (CORESTA), Ủy ban tiêu chuẩn châu Âu (CEN) cũng đã ban hành các tiêu chuẩn đối với thuốc lá thế hệ mới, bao gồm tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn phương pháp kiểm nghiệm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.