Cảnh báo 'chết người' khi cho con chơi bóng bay bơm khí trôi nổi

01/03/2017 07:40 GMT+7

Hàng loạt vụ nổ bóng bay bơm khí hydro gần đây khiến nạn nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Tuy nhiên, quả bóng bay, như những quả bom nổ chậm, vẫn được trẻ em và cả người lớn vô tư sử dụng.

Chị H.T.V (nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đi ăn cưới và phấn khởi mang về cho con gái 6 tuổi một chùm bóng bay màu hồng. Chị cho hay, “tôi cũng hay mua bóng bay bơm khí hình con cá, con thỏ ngoài đường cho cháu chơi”. Hỏi chị V. về nguy cơ bị bỏng từ những quả bóng này, chị cười: “Tôi không nghĩ là bỏng được, trước giờ bọn trẻ vẫn chơi suốt”.
Chị V. không phải phụ huynh duy nhất nghĩ bóng bay bơm khí là an toàn. Chiều 28.2, chúng tôi có mặt tại cổng chợ Đồng Xuân, cổng công viên Thủ Lệ, Hà Nội và thấy những chùm bóng bay hình thú, bơm khí có thể bay được trên không được phụ huynh mua nhiều cho các con. Mỗi quả bóng được bán với giá 10.000 đồng - 20.000 đồng, tuỳ thuộc kích thước, hình thù.
Bóng bay bơm khí được sử dụng trong lễ khai giảng một trường tiểu học tại Hà Nội Ảnh Ngọc Thắng
Tại một cửa hàng điện thoại di động trên phố Thái Hà, trong một sự kiện nhằm mời chào đông khách hàng tới hơn, những chùm bóng bay được đặt hai bên lối đi và cả bên trong cửa hàng.
Ngoài ra, không khó khăn để thấy những chùm bóng bay bơm khí lơ lửng trong các lớp học ngày lễ; hoặc trên các khán đài các sân vận động tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… khi diễn ra các giải bóng đá chuyên nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, 48 tuổi, mẹ của nạn nhân Mai Phương Linh (bị bỏng do nổ bóng bay ngày 14.2, đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết các cháu của mình là học sinh tiểu học vẫn được yêu cầu mang theo một lá cờ nhỏ và một quả bóng bay bên người trong ngày lễ khai giảng.
“Tôi không dám tưởng tượng những cháu còn rất nhỏ bị cả quả bóng hoặc chùm bóng sát người nổ tung thì sẽ bị tổn thương ra sao”, bà Nguyễn Thị Thu Hương Hương nói.
Bom nổ chậm bên người
Trao đổi với chúng tôi, đại diện bộ phận kỹ thuật Công ty TNHH khí công nghiệp Phú Thịnh (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết tất cả các loại bóng hydro đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cực cao, khí hydro là loại khí rất nguy hiểm. Mua cho con một quả bóng bay bơm khí hydro không khác nào cho con quả bom nổ chậm bên người. Với giá thành rẻ, đây lại là loại khí thường được các cơ sở bơm bóng trôi nổi ngoài thị trường sử dụng để bán ra ngoài.
Những quả bóng bay này được mua bán dạo đầy trên phố với giá 10.000 - 20.000 đồng, tuy nhiên đây có thể là những "quả bom" gây sát thương lớn
“Bóng bay bơm hydro rất rẻ, chi phí bơm 1 quả bóng là 1.000 đồng, nhưng bơm khí heli là loại khí an toàn, thì phải từ 10.000 đến 15.000 đồng. Trong khi giá thành một quả bóng ngoài đường chỉ có 10.000 đồng hoặc hơn một chút, nên vì lợi nhuận người ta sẽ dùng khí hydro”, đại diện công ty này nói.
Ngoài ra, theo đại diện công ty, hiện có nhiều cơ sở có kiểu tự chế hydro bằng việc cho các mảnh nhôm cắt từ các lon bia vào xút (NaOH), sau đó tự thu khí vào các bình tự chế, đây cũng là hành động rất nguy hiểm khi dễ cháy nổ bình khí. Bên cạnh đó, nếu bơm bóng từ các bình hydro đủ tiêu chuẩn, thì khí hydro cũng không an toàn.
Nếu được bơm khí heli, những quả bóng này sẽ an toàn hơn. Nhiều người không nghĩ rằng có thể bỏng từ bóng bay phát nổ
Hình ảnh trước và sau khi bị bỏng do nổ bóng bay của nạn nhân Mai Phương Linh
“Trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng rất dễ thẩm thấu ra ngoài, trong đó ra nhiều ở cuống bóng, chỗ buộc dây. Nếu đốt dây vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích dãn nở gây ra nổ. Vì thế, bóng bay không nên mang vào trong nhà bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng có thể phát nổ”, đại diện công ty cho biết.
Phía công ty này khuyên các phụ huynh hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với bóng bay bơm khí hydro bán trôi nổi ngoài thị trường. Nếu cho con em sử dụng bóng bay, hoặc phải sử dụng trong các sự kiện, người tiêu dùng nên mua bóng được bơm khí heli tại các cửa hàng đồ chơi hoặc nơi cung cấp bóng khí heli có thương hiệu, uy tín.
“Nguy hiểm nhất là không ai nghĩ rằng bóng bay có thể nổ gây bỏng”
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 5 trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay. Theo bác sĩ, hậu quả của bỏng do nổ bóng bay không kém gì với bỏng nước, lửa...
“Nguy hiểm nhất là không ai nghĩ rằng bóng bay có thể nổ gây bỏng, nên người ta thường chủ quan. Thứ nữa, người ta thường cầm bóng bay ở tay, gần mặt, nên khi bóng phát nổ, tổn thương lớn ở vùng mặt, tay, liên quan đến cả sức khỏe và thẩm mỹ”, bác sĩ Thống nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thống trả lời báo Thanh Niên
“Nhiều người chiều con, cho con mang bóng bay vào ô tô. Cho con chơi cả chùm bóng bay, để bóng bay va chạm bóng đèn, hoặc dùng bật lửa hơ để đứt dây buộc bóng đều là những việc làm vô cùng nguy hiểm”, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cảnh báo.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Thống, khi bị bỏng do nổ bóng bay, ngay lập tức cần làm mát khu vực bị tổn thương bằng nước từ 18 đến 25 độ C, sau đó đắp gạc sạch lên vùng tổn thương, rồi nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế nơi gần nhất.
Ngày 14.2.2017, nạn nhân Mai Phương Linh 22 tuổi đang cầm một chùm 55 quả bóng bay trong một sự kiện ở công ty thì chùm bóng phát nổ khiến chị bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu.
Chiều 26.2.2017, chị Dương Thị Minh, 33 tuổi, đang cầm 40 quả bóng bay trong lễ mừng thọ ông bà, tức thì chùm bóng cũng nổ tung, chị đang được cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn với tổn thương nghiêm trọng ở mặt, cổ, hai tay...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.