Cặp đôi U.70 bắt đầy ốc vít: 40 năm yêu thương và đám cưới 20.10

20/10/2016 09:02 GMT+7

Gần 40 năm chung sống, có với nhau được 5 người con. Để rồi ngày hôm nay, họ vẫn nắm chặt tay nhau để chờ đợi một đám cưới như trước đây đã từng mơ ước.

Buổi sáng đầu tuần, chúng tôi hẹn gặp vợ chồng ông Nguyễn Phú Hải và bà Huỳnh Thị Tuấn, tại căn nhà nằm ngay góc đường Ngô Quyền (quận 10, TP.HCM).
Có tuổi đời hơn 60 năm, căn nhà nhỏ này đã chứng kiến biết bao kỷ niệm vui, buồn, bao nhiêu lần hạnh phúc lẫn tuyệt vọng của hai người. Để rồi ngày hôm nay, họ vẫn nắm chặt tay nhau để chờ đợi một đám cưới như trước đây đã từng mơ ước.
VIDEO: Cặp đôi bị liệt lấy nhau 40 năm, nay mới làm đám cưới - Thực hiện: Lê Nam
Duyên phận cô gái bắc đầy ốc vít
Ông Nguyễn Phú Hải (64 tuổi) là người con thứ 6 trong gia đình có 13 anh chị em. Năm lên 3 tuổi, chuẩn bị học mẫu giáo thì ông trải qua đợt sốt cao. Cơn bệnh thập tử nhất sinh này khiến đôi chân ông bị teo nhỏ, rồi bị liệt.
Dù nghèo khổ, nhưng gia đình vẫn cố gắng đưa ông đi chữa ở khắp nơi. Cứ hễ nghe chỉ ở đâu có thầy hay, thuốc tốt… là ba mẹ ông lại tìm tới. Nhưng tất cả đều chỉ nhận lại được cái lắc đầu buồn bã.
Dù liệt hai chân, ông vẫn luôn đau đáu trong lòng mong muốn được đến trường, được đi học như bao bạn bè đồng trang lứa. Rồi khi cái tuổi đáng ra phải học lớp 5, thì ông lại mới học tới lớp 3. Sợ con trai đi học bị thiệt thòi, ba mẹ mới bàn tính cho ông nghỉ học.
Nhưng cậu bé với đôi chân bị liệt ngày đó vẫn cương quyết: “Liệt chân thì con vẫn có thể học được bằng đầu, làm được bằng tay. Nhưng nếu không học, con sẽ thật sự là một đứa tàn phế”. Thời gian cứ thế trôi qua, cậu bé Hải cũng theo học hết lớp 12. Sau đó bắt đầu theo học nghề sửa chữa điện tử để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Một đám cưới đúng nghĩa đang chờ đợi ông bà vào hôm nay 20.10.2016 Ảnh: Lưu Trân
Thời đó, sửa một món đồ như tivi, máy catse… ông Hải cũng kiếm được mười mấy ngàn tiền công. Ông bồi hồi nhắc lại: “Cái thời còn ăn bo bo, làm gì có tiền mà mở tiệm. Tui ngồi trước cửa nhà, ai đem đồ đến thì tui sửa dùm. Khách đến đây sửa đồ, có người tin tưởng, cũng có người ái ngại khi thấy mình khuyết tật. Nói chung tiền không nhiều, nhưng ít ra thì mình cũng không phải kẻ vô dụng”.
Mãi đến năm 1972, cái nghề sửa chữa đồ điện tử này đã đưa ông đến với cái duyên gặp người bạn đời – bà Huỳnh Thị Tuấn (nay đã 59 tuổi). Bà Tuấn quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm đó, bà một thân một mình vào Sài Gòn, vừa chữa bệnh vừa làm nghề may kiếm sống.
“Chạy giặc mà, cả nhà tui chết hết, chẳng còn ai. Tui chạy rồi giẫm phải quả mìn. Lúc đi bệnh viện, ai cũng không hiểu sao tui vẫn sống. Chữa ngoài kia một thời gian không được, bác sĩ mới chuyển tui vô Chợ Rẫy. Mà lúc đó Chợ Rẫy đang sửa chữa lại, nó không nhận gãy xương. Nên tui lại được chuyển qua bệnh viện Bình Dân”, bà Tuấn kể lại.
Khác với phán đoán của bác sĩ và các giám định y khoa, khi họ nói bà 88% là mất sức rồi. Bà Tuấn - lúc đó mới là một cô thiếu nữ, đã vô cùng mạnh mẽ trong cuộc chiến sinh tử, giành lại quyền làm chủ cuộc đời mình.
Bà theo học nghề may, rồi đi làm thêm ở một xí nghiệp may tại quận 3. Không còn người thân, lại thêm sự mặc cảm với đôi chân bắt đầy ốc vít và mất hết cảm giác của mình, bà chẳng có lấy một người bạn nào để tâm sự những buồn vui thường ngày.
Mình là phụ nữ mà, lúc nào chẳng muốn mình đẹp nhất trong mắt người mình yêu. Nhưng mà tui thì khuyết tật…
Bà Tuấn
Một lần, có cái tivi ở xí nghiệp may bị hư. Bà Tuấn đi tìm thợ sửa thì gặp được ông Hải. Ông kể, cái giây phút ánh mắt hai người chạm vào nhau, trong lòng ông tự dưng dâng lên thứ cảm xúc rất mãnh liệt. Nhưng ông nói đó chưa phải yêu, mà là tình thương của ông khi nhìn một người phụ nữ cũng khuyết tật như mình. Ẩn bên trong cái dáng người nhỏ nhắn đó, là cả một nghị lực to lớn.
Ông cứ nhớ mãi cái dáng đi lúc nào cũng cúi mặt xuống đất của người con gái xứ Quảng kia.
Từ đó tự nhiên ông muốn được gặp bà nhiều hơn, muốn tâm sự, muốn trải lòng và được bên cạnh chăm sóc. Qua nhiều lần tìm hiểu, cuối cùng ông Hải cũng được bạn bè giới thiệu cho gặp lại bà.
Về phần bà Tuấn, cứ hết lần này tới lần khác từ chối, không hẹn hò với ông, vì: “Mình là phụ nữ mà, lúc nào chẳng muốn mình đẹp nhất trong mắt người mình yêu. Nhưng mà tui thì khuyết tật…”, giọng bà Tuấn nghẹn lại.
Thế rồi, những ngày tháng cô độc nơi đất khách quê người của bà Tuấn dần dần được lấp đầy bằng tình cảm và sự quan tâm chân thành của ông Hải.
Cuộc đời của ông bà giờ đây đã viên mãn với 5 người con Ảnh: Lưu Trân
Khi cuộc sống có tình yêu
Nhắc lại những kỷ niệm lúc mới yêu nhau, hai vợ chồng già lại khẽ nắm tay nhau. “Hẹn hò là nói cho hay thôi, chứ hồi xưa thì đâu có đi xem phim, cafe như tụi nhỏ bây giờ. Hai đứa đều đi làm, chiều về thì chở nhau đi ăn. Có khi chỉ cần gặp mặt chút thôi cũng được rồi. Tui đi cái xe lắc lắc, chở bả ngồi sau rồi đi tới tận cầu Ngang dưới Lái Thiêu… ăn măng cụt”, ông Hải nhớ lại.
Sau một thời gian hẹn hò, ông Hải quyết định tỏ tình. Bà Tuấn tâm sự, ngày ông nói muốn lấy bà làm vợ, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì có một người đàn ông yêu thương mình, ngay cả khi mình là người mang một cơ thể khiếm khuyết như vậy. Bà cũng lo khi gia đình chồng quá đông anh chị em, còn bà lại chẳng còn người thân nào. Nghĩ về tương lai phía trước của hai vợ chồng, liệu có tình yêu nào của những người khuyết tật được kéo dài mãi không.
Thấy bà Tuấn trăn trở không yên, ông Hải đã hạ quyết tâm, nói: “Lành lặn hay tật nguyền gì đều không quan trọng. Điều quan trọng là mình yêu thương nhau, bù đắp những thiếu sót cho nhau. Mình đâu biết ngày mai nó xảy ra chuyện gì, chỉ cần một lần được sống và yêu hết mình là đủ”… Câu nói đó cho đến tận ngày hôm nay, vẫn luôn là nguồn động lực to lớn đối với bà Tuấn.

Hẹn hò là nói cho hay thôi, chứ hồi xưa thì đâu có đi xem phim, cafe như tụi nhỏ bây giờ. Hai đứa đều đi làm, chiều về thì chở nhau đi ăn. Có khi chỉ cần gặp mặt chút thôi cũng được rồi. Tui đi cái xe lắc lắc, chở bả ngồi sau rồi đi tới tận cầu Ngang dưới Lái Thiêu… ăn măng cụt.

ông Hải nhớ lại

Bỏ qua những mặc cảm, năm 1977, ông bà tổ chức một đám cưới nhỏ. Không có quần áo cô dâu, chú rể, không có nhẫn đôi, cũng chẳng có khách mời. Chỉ có duy nhất 1 mâm cơm cúng ông bà , và làm lễ ra mắt cha mẹ. Hai người chính thức trở thành vợ chồng.
Không đủ điều kiện để ra ở riêng, haivợ chồng ông cùng 12 anh chị em khác cùng sống chung 1 mái nhà. Ông Hải kể, nhà nhỏ mà đông người ở quá, đi lên gác nhiều khi cũng sợ sập. Hay những ngày Tết, nếu tất cả con cháu trong nhà cùng ra chụp hình kỷ niệm thì phải đến gần năm mươi người, “như chụp hình tập thể lớp học”.
“Lúc yêu và lúc cưới nó khác nhau nhiều thứ lắm. Mới yêu thì lúc nào cũng có cảm giác hồi hộp, nôn nao được hẹn hò, nhớ nhung khi không gặp mấy ngày… Còn lúc cưới, 2 vợ chồng chỉ có 2 bàn tay trắng. Mình phải có trách nhiệm với gia đình hơn, lo cho ba mẹ chồng, lo làm để có tiền mà nuôi con cái ăn học. Rồi dần dần bị cuốn theo guồng quay đó nên chẳng còn thời gian mà yêu với tình cảm như ngày còn trẻ”, bà Tuấn bùi ngùi nói.
Chỉ duy nhất trong đời có một lần bà Tuấn muốn buông bỏ tất cả, bỏ chồng bỏ con, bỏ cả cuộc đời mà với bà vốn chẳng có mấy niềm vui. Nhưng hình như ông trời có mắt, ngay cái khoảnh khắc bà muốn nhảy xuống kết thúc mọi khổ đau thì nghe tiếng gọi: “Mẹ ơi, mẹ” của con gái. Tiếng gọi bình thường như mọi khi nó vẫn gọi bà chỉ để hỏi: “Mẹ ơi, nay mẹ nấu món gì?”.
Nhưng hôm đó, chính tiếng gọi thân thương này là 1 sự thức tỉnh, nó kéo bà trở về với thực tại. “Hóa ra mình là 1 người phụ nữ may mắn, mình có được  người chồng thương mình hết mực, con cái đứa nào cũng ngoan hiền, hiếu thảo. Khi mình thân cô thế cô nơi đất khách quê người thì lại được cả gia đình nhà chồng quan tâm, yêu thương như máu mủ ruột thịt. Vậy là quá hạnh phúc rồi”, bà Tuấn hồi tưởng.
Vì là người khuyết tật, hai vợ chồng gặp không ít khó khăn khi bà Tuấn mang bầu người con cả. Bao nhiêu sự mệt nhọc, thai nghén của người phụ nữ hành hạ cơ thể vốn dĩ đầy bệnh tật của bà.
“Mấy ngày trở trời, bả đau chân ghê lắm. Tui bóp chân bóp tay cho vợ liên tục để bớt đau. Bà xã là mối tình đầu cũng là duy nhất của tui luôn. Tui thương và nể vợ nhất ở cái tính chịu đựng. Lần tui hỏi cưới bả, như kiểu cầu hôn giờ đó. Tui cũng suy nghĩ nhiều lắm. Tui chỉ thương vì cả 2 đều tật nguyền vậy, nếu như bả lấy được người nào lành lặn, khỏe mạnh thì có thể được sống tốt hơn là lấy tui”, ông Hải tâm sự.
Gần 40 năm chung sống, có với nhau được 5 người con. Bao nhiêu tiền làm ra, hai vợ chồng đều tích góp, dành dụm nuôi con cái ăn học thành người. Cả 4 cô con gái đều đã lập gia đình và sinh con. Còn mỗi cậu con trai út đang học năm nhất ĐH Bách Khoa, TP.HCM.
“Hóa ra mình là 1 người phụ nữ may mắn, mình có được  người chồng thương mình hết mực, con cái đứa nào cũng ngoan hiền, hiếu thảo. Khi mình thân cô thế cô nơi đất khách quê người thì lại được cả gia đình nhà chồng quan tâm, yêu thương như máu mủ ruột thịt. Vậy là quá hạnh phúc rồi”, bà Tuấn kể.
Ánh mắt hai vợ chồng ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về đứa con trai út: “Nó là đứa biết suy nghĩ, sợ ba mẹ cực khổ nên nó học chăm, ngoan ngoãn lắm. Tiền tiêu vặt nó đều do nó tự đi làm thêm mà có, chẳng bao giờ xin ba mẹ đồng nào”.
“Từ nào giờ tụi tui không có dám nghĩ sẽ được tổ chức đám cưới hoành tráng vậy đâu. Mấy năm trước bạn bè kêu đăng ký đi, mà tui không dám. Năm nay con cái cũng ủng hộ nên mới liều đi đăng ký. Mấy người tổ chức tốt lắm, họ cho mình ăn ngon, mặc đẹp. Mình được mời theo 8 người nữa tới dự luôn. Tới cái tuổi này rồi mới được một lần mặc áo cưới, được trao nhẫn rồi còn uống rượu giao bôi nữa. Tui chỉ thấy mình quá may mắn, và biết ơn mọi người rất nhiều thôi”, hai vợ chồng chia sẻ trong sự xúc động mạnh.
Chợt nghĩ, đến cái tuổi xế chiều, có mấy ai còn nhìn người bạn đời của mình bằng ánh mắt trìu mến, đầy yêu thường như vợ chồng ông Hải…
Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, để đi và để trải nghiệm. Nhưng đâu đó, có những con người mang trên cơ thể nhiều khiếm khuyết. Dù chẳng có được đôi chân lành lặn, nhưng họ lại có một trái tim trọn vẹn, để bước những bước thật dài và thật xa…
Phải chăng, tình yêu vốn dĩ là một điều kỳ diệu, hay trong vô vàn những điều kỳ diệu đó, có tình yêu?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.