Biển người
Nguyễn Thu Hường (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) mỗi năm lại cùng đại gia đình bên nội đi giải hạn. Năm nay, dù đã đi lấy chồng, chị vẫn quay về làm lễ giải hạn cùng gia đình. “Chúng tôi đã giải hạn ở chùa gần nhà từ ngày tôi còn rất bé. Vì thế, dù lấy chồng rồi, bác và mẹ vẫn đăng ký cho tôi giải hạn ở đây. Lần này, danh sách giải hạn của gia đình có thêm cả tên chồng tôi”, chị chia sẻ. Sau mỗi lễ giải hạn như vậy, mọi người lại cùng nhau ăn cơm chay trong chùa. Họ tự dọn mâm ăn, rồi tự bê mâm bát đi rửa.
tin liên quan
Vì sao người Việt coi trọng việc cúng lễ ngày rằm tháng Giêng?“Ngày nhỏ nhà chùa không có dâng sao giải hạn như vậy. Tôi cũng không nhớ là ở chùa có việc đó từ bao giờ nữa. Tuy nhiên, sư thầy cũng đã như người thân, và chúng tôi tin tưởng. Số tiền dâng lễ cũng không lớn, chỉ 400.000 đồng cho cả gia đình 6 người nên tiện hơn mời người lễ ở nhà”, bà Kiều Loan, bác của chị Hường, cho biết. Bà Loan cũng cho hay, do bà đi lễ ở đây quanh năm, nên bạn bè cùng cơ quan cũng vì thế đi theo cho vui bạn vui bè.
Nhưng nếu tới chùa Phúc Khánh (Q.Đống Đa, Hà Nội) không có chuyện cả gia đình cùng có tên trong tờ sớ như vậy. Ở đây, nhà chùa chia người dâng sao giải hạn thành từng nhóm theo sao. Ai sao gì sẽ giải hạn cùng người có sao đó. Có thêm một lễ cầu an vào ngày 14 tháng giêng nữa. “Người đông. Ai đến sớm vào trong. Còn lại hầu hết ngồi ngoài đường. Có ghế của những nhà mặt phố tại đây cho thuê”, một phụ nữ dâng sao giải hạn nói. Hiện chùa Phúc Khánh là ngôi chùa đông người đến xin dâng sao giải hạn. Mỗi lần như vậy, người dân ngồi tràn ra cả vỉa hè, lòng đường. Có người lại bái vọng từ trên cầu vượt xuống.
Ban tổ chức lễ dâng sao cũng thường phải chuẩn bị lộc cho người dân từ sớm là những thúng chuối và bánh kẹo. Tuy nhiên, người dự lễ khá chủ động bảo ban nhau trật tự. Năm nay, giữa cuộc lễ, còn có người giơ một tờ giấy trắng, trên đó in dòng chữ “Đi lễ chùa không để lại rác cũng là công đức”. Mặc dù vậy, công an cũng đã được điều đến để bảo đảm an ninh.
Không phải chuyện Phật giáo
|
TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), nói về hiện tượng ngày một nhiều người dâng sao giải hạn: “Tôi nghĩ phú quý sinh lễ nghĩa. Khi đời sống đầy đủ thì người ta nghĩ cần thêm thứ nọ thứ kia. Việc dâng sao giải hạn nếu bỏ ít tiền mà thấy yên tâm cũng được. Bản thân người dâng sao cũng chưa chắc do việc thấy sao đó xấu đến độ phải sợ sệt. Nhưng họ cũng nghĩ nếu cần làm gì đó thì cũng vẫn làm. Nó như mua một dây bảo hiểm tinh thần. Giống như bán khoán trẻ con cũng thế. Đứa trẻ khó nuôi thì lên chùa gửi hoặc bán khoán với một niềm tin để cho nó tốt hơn. Nhưng mà bản thân trong cuộc sống thì vẫn phải lo lắng cho đứa trẻ ấy như bình thường”.
tin liên quan
Cúng sao giải hạn La Hầu, Kế Đô đầu năm và lý giải của Phật họcCũng theo bà Lý, việc có những lễ cầu an trong chùa thì nên, và cũng hợp giáo lý. “Quan điểm của tôi là cái gì ra cái đấy. Cúng bái có phép này phép kia thì do Đạo giáo. Nhà chùa chỉ cầu kinh cho bình yên, sám hối tội của mình. Cái gì trả về cái đấy thì nó yên hơn. Mà nhà chùa cũng không nên kinh doanh, không nên đi cúng hộ. Nhất là khi dâng sao giải hạn lại có cúng tam sinh, có hình nhân thế mạng - không giống với tư tưởng Phật giáo”, bà Lý phân tích.
Ông Huy cũng cho rằng: “Tôi không nghĩ chùa nên làm dịch vụ. Chùa là chùa. Chùa có triết lý của đạo Phật, nếu không là giả Phật. Chính vì thế nó làm Phật giáo của chúng ta lộn xộn hẳn, niềm tin lộn xộn hẳn. Giữa tâm linh và mê tín cứ lộn xộn cả lên, không đâu vào đâu cả”.
Ông cũng lấy ví dụ về sự yên tĩnh của thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ở miền Nam. “Vào đó làm gì có vàng mã, làm gì có hương khói vô tội vạ. Họ nền nếp trật tự. Đó chính là các tôn giáo lành lặn. Còn nhiều chùa của chúng ta ngoài Bắc lộn xộn. Nhiều nhà sư cũng đồng thời là người cúng, giải cái nọ cái kia như là một pháp sư chứ không phải nhà sư. Nó gây loạn về tâm linh. Cho nên nếu khuyến khích làm dịch vụ trong nhà chùa thì chắc chắn không ổn”, ông Huy nói.
Tĩnh tâm ở phố
1Gần trưa nghe tiếng sẻ kêu. Sao nhiều tiếng kêu của sẻ đến thế! Tôi ra ban công, hướng về phía tiếng sẻ kêu thì thấy 2 chú sẻ bị treo lủng lẳng ở cái que trên cột điện. Tôi lấy điện thoại ra quay, còn chưa biết chuyện gì xảy ra thì thêm 1 con nữa dính tiếp vào. Tôi tắt cảnh quay, định xuống kêu người cứu mấy con sẻ thì thấy một người đàn ông thoăn thoắt trèo lên cột điện. Tôi tưởng ông cứu mấy con sẻ. Mà không, ông mang cả cái cây xuống! Mấy con chim thoát nạn rồi!
Người đàn ông mang cái que có 4 con chim xuống tới đất, ông ta lại xe máy với cái lồng phía sau rồi gỡ từng con, từng con bỏ vào lồng.
Con chim mồi vẫn còn trên que. Chắc nó lại đi theo người bẫy chim kia đến một địa điểm khác...
Người bẫy chim mồi vẫn đi bẫy, con chim mồi vẫn hót, lại có những chú chim dính bẫy bị đưa vào lồng để bán cho những người “buôn phóng sinh”...
2Tôi có quen một nhà sư và thi thoảng ghé thăm ông. Chúng tôi trò chuyện về nhiều thứ, nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là lòng tin và Đức Phật.
Ông nói với tôi: Phật tại tâm! Tôi hỏi lại: Nếu Phật tại tâm thì chúng sinh có cần đến chùa lễ Phật?
Sư thầy trả lời: Chùa là nơi thờ Phật, nhưng quan trọng không kém là ở chùa nhà sư làm lễ tụng kinh. Không phải người nào thành kính Phật cũng đều thông kinh kệ, nhà chùa với các sư đồ là người đọc kinh mỗi khi hành lễ. Lên chùa nghe kinh làm cho con người có cảm giác bình yên nên người ta hay tới chùa là vậy. Người có thể tự tĩnh tâm thì đến chùa hay không đến chùa cũng không khác biệt nhiều.
Sư trụ trì làm tôi nhớ những ngày lên chùa, khi nhà sư cầu kinh, các phật tử đọc cùng, người không thuộc thì cầm cuốn kinh mà đọc theo, có người chỉ mấp máy miệng “đọc nhép”. Nhưng tất cả đều thành kính.
Phật tại tâm chứ không ở chuyện phóng sinh hay tháng giêng phải lễ đủ 10 chùa hoặc cúng mâm cao cỗ đầy hay chen nhau nhét tiền vào tượng.
Nguyễn Kim Hồng
|
Bình luận (0)