Cha không hoàn hảo nhưng vẫn yêu các con theo cách hoàn hảo nhất

"Cha không nói với tôi phải sống như thế nào, cha sống và để tôi chứng kiến điều đó"- Clarence Budington Kelland nói như thế và không cần chứng minh, ba tôi là người như thế.

Cách sống của ba tôi thấm vào tôi một cách tự nhiên, nghĩa là, cho dù không dạy, tôi cũng học được từ ông rất nhiều, chỉ có một điều mà tôi học mãi vẫn chưa được, vì thế vẫn tiếp tục học, học cho đến khi tôi có thể… già hơn ba tôi (ông mất năm 86 tuổi). Điều đó sẽ kể phần sau.
*
Tôi thích câu của Vỹ Kiệt: “Có nhiều người không tin siêu anh hùng có thật, vì là họ chưa gặp ba tôi thôi”.
Nếu kể từ năm 18 tuổi, khi ba tôi được cài cắm làm lý trưởng để chuẩn bị cướp chính quyền, tiếp đó làm lãnh đạo ngay và cứ thăng tiến cho đến khi về hưu, có thể nói đời ông chủ yếu làm “quan”, nhưng những người dưới quyền ba tôi vẫn chưa từng thấy ông nói nặng lời với ai.

tin liên quan

Ngày của Cha: Thầy tôi
Tôi gọi cha tôi 1 bằng 'thầy', vì ông cụ muốn tôi nhớ lại gốc gác của mình từ một làng nào đó ở đất Nghệ An. 
Anh em tôi rất giống ba nên đi đâu cũng có người nhận ra. Tôi thích nhất là khi biết con ba tôi thì họ đều ồ lên.
Tôi đi xin việc, hồ sơ nộp phòng tổ chức, đến khi đi làm rồi, ba tôi đến thăm, sếp tôi (là lính của của ba) mới biết, ông nói: “Vậy thì tôi nhận đúng người rồi!”.
Với con cái, câu nặng nhất của ông là “Con làm thế, ba không đồng ý đâu nha”.
Công tác xa, nhưng ba hay gửi sách về cho tôi, vẫn nhớ câu ông ghi: "Đọc sách ba khuyến khích, nhưng không chỉ ngồi đọc sách mà thôi".
Ba mạ tôi không được sống bên cạnh nhau nhiều, thời chiến, ba tôi đi biền biệt. Sau này về hưu, ông bà quấn quýt bên nhau. Ba tôi đi đâu đều có mạ theo sau, mạ tôi đi đâu cũng có ông đi cùng. Ông đi đâu một ngày là bà quay quắt, bà đi đâu một ngày, ông đứng ngồi không yên.
Mỗi khi mạ tôi giận điều gì đó, ông đều nhẹ nhàng: "Mạ Thịnh (mạ thằng Thịnh) giận à?".
Riêng chừng đó thôi, ba đã là một siêu anh hùng.
*
Tôi không học được ba điều đó.
Tôi thẳng tuột, không khôn khéo, bực lên là nói. Ngoài 30 tuổi, làm sếp nho nhỏ (thư ký tòa soạn kiêm trưởng phòng phóng viên) mà nhiều lần đuổi lính ra khỏi cơ quan. Dù hôm sau rủ nó đi uống bia nhưng như thế vẫn không phải với họ. Họ cho dù là lính mình nhưng lại là chủ của một gia đình, là người chồng, người vợ, người bố, người mẹ, đôi khi còn là niềm tự hào của dòng họ họ.
Cái này tôi biết mà không sửa được. Có lẽ nó bị ảnh hưởng từ thời kỳ ở quân đội. Ra lệnh là phải chấp hành.
Khi có con, tôi thấy, với tính cách này, có lẽ tôi dạy con thật khó. Chúng nó nhìn mình mà học thì còn nguy hơn.
Cho nên tôi đã sửa sai bằng cách giành tất cả tình yêu thương cho chúng nó. Yêu thương theo cách không cưng chiều.
À, mà hình như, tôi cũng chưa từng nặng lời với con.
Từ nhỏ, tôi luôn coi trọng cá tính mỗi đứa. Lớn lên, tôi chỉ nói mỗi câu: “Con nên làm việc mình thích”. Thế thôi.
Anh cả nhà tôi đi làm bao lâu rồi sếp nó, trong câu chuyện tình cờ, mới biết nó là con mẹ nó, mẹ nó là bạn học chính trị với ông (sếp) và mẹ nó là vợ… của tôi. Ổng cũng bảo, ổng nhận đúng người rồi.
Đến khi nó không thích làm đó nữa vì cơ quan có một vài điều thâm căn cố đế khó sửa, ổng gọi điện nhờ khuyên, tôi trả lời: “Để nó làm việc nó thích”.
Gái út còn cá tính hơn. Nó quan niệm, với công việc, chuyện ai người nấy biết.
Nghĩ cho cùng, tôi chẳng dạy gì được chúng nó.
Làm cha thật khó.
“Ơn trời”, chúng nó học rất giỏi và ngoan.
Nhưng mà các con, “cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương các con theo cách hoàn hảo nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.