Chàng cử nhân không tay ‘giải cứu’ hơn 3 tấn khoai môn cho bản người Dao đỏ

16/01/2019 11:24 GMT+7

Dù đã mất đi đôi bàn tay từ năm lớp 8, chàng trai người Dao đỏ vẫn chọn mưu sinh bằng nghề shipper, hàng ngày đi hơn 100 km giao khoai môn, “giải cứu” cho bà con trong bản.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên về nghị lực phi thường của chàng trai người Dao đỏ tên Lý Minh Khang (tên thật là Lý Láo Lở, 32 tuổi, quê tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai) khi thấy anh chàng nhỏ nhắn này. Tuy mất đi đôi bàn tay nhưng anh vẫn điều khiển xe máy băng băng trên mọi nẻo đường ở Hà Nội, chuyển những củ khoai môn sạch tới tay người tiêu dùng.
Buổi văn nghệ định mệnh
Nhớ lại ngày mất đi đôi bàn tay, anh Khang trầm tư kể, hồi anh học lớp 8, ngày 29.12.2003, trường nội trú anh theo học huy động học sinh dựng sân khấu để tổ chức chương trình văn nghệ mừng tết Dương lịch. Trong lúc đang vác cây tuýp sắt từ cổng vào sân trường, anh bị điện từ đường dây cao thế chạy qua trường phóng xuống, nằm bất tỉnh, khi mở mắt đã thấy nằm trong viện, đôi tay không còn cảm giác.
Sau khi nghe bác sĩ nói phải cắt đi đôi tay, anh Khang suy sụp, khóc rất nhiều. Thời gian đầu xuất viện, anh Khang nhốt mình trong nhà để quen với việc không còn đôi tay, chấp nhận sự thật. “Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân rất khó khăn, lúc nào cũng phải có người bên cạnh hỗ trợ”, anh Khang nhớ lại những ngày đầu xảy ra sự việc.
Mặc dù đã mất đi đôi bàn tay, nhưng anh Khang đã quen và có thể làm mọi thứ. "Chỉ có việc cầm dao thái thịt là chưa làm được bởi không có lực, chuôi dao lại trơn trượt", anh Khang chia sẻ Ảnh Trần Cường
Khoảng 3 năm thu mình trong nhà, phụ gia đình thổi cơm, quét nhà,... đến năm 2006, anh Khang vượt qua mặc cảm, trở lại trường, làm quen với cây bút lần thứ 2, học tiếp lớp 8 cùng các em nhỏ tuổi hơn.
“Những ngày mới đến trường, tôi rất ngại, sợ mọi người kỳ thị. Lúc xếp hàng ăn cơm, ai ai cũng nhìn, khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ và tủi thân, nhưng sau mọi người cũng quen dần và tôi cũng thấy tự tin về bản thân hơn”, anh Khang nói.
Cuộc “giải cứu” khoai môn
Năm 2016, anh Khang tốt nghiệp cử nhân khoa Khoa học quản lý, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với tấm bằng khá. Không kiếm được việc làm, anh theo bạn đi giao hàng thuê cho một công ty thực phẩm tại Hà Nội.
Một ngày tình cờ, anh Khang đọc được trên mạng xã hội có rao bán khoai môn với giá 35.000 đồng/kg vừa đắt, chất lượng không biết có đảm bảo không, trong khi trên bản anh cũng có nhiều hộ trồng khoai môn trên núi rất sạch, tự nhiên mà thương lái Trung Quốc không thu mua, người dân chỉ xếp xó nhà để ăn dần. Ngay lập tức, anh nghĩ cần gom khoai môn của bà con rồi nhờ xe chuyển xuống Hà Nội để bán.
Sau mỗi bữa tối, anh Khang ngồi lên đơn, sắp khoai môn vào các túi, chuẩn bị cho ngày hôm sau Ảnh Trần Cường
Nghĩ là làm, anh Khang gọi điện về quê nhờ người thân gom khoai môn của các gia đình và chuyển qua xe khách xuống Hà Nội, tập kết tại kho (cũng là phòng trọ của mình) rồi đăng bán trên facebook cá nhân giúp bà con.
Rất nhiều người đã chia sẻ và ủng hộ, thậm chí có nhiều khách tận trong miền Nam cũng gọi điện đặt khoai môn của anh Khang sau khi biết thông tin trên facebook.
Chị Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khoai môn của Khang ăn rất ngon, dẻo, giá cả lại hợp lý nên thường xuyên gọi đặt mua ủng hộ. “Khang là một người rất nghị lực, biết vươn lên trong cuộc sống, hành động giúp đỡ bán khoai môn cho bà con ở bản rất ý nghĩa”, chị Hằng chia sẻ.
Hàng ngày, anh Khang dậy từ 6 giờ 30 sáng, công việc giao khoai môn tới tay khách hàng bắt đầu ngay sau đó cho đến cuối ngày. Từ “kho chứa” tại đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), khoai môn của anh Khang được ship khắp các quận, huyện Hà Nội.
Theo anh Khang, mỗi ngày anh đi giao từ 25 - 30 đơn, quãng đường chạy không ngày nào dưới 100 km. Có những ngày, hơn 22 giờ tối mới về tới phòng, ăn vội bát cơm lại tất bật gom đơn, sắp hàng, chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Chiếc xe đặc biệt của anh Khang Ảnh Trần Cường
Theo anh Khang, mỗi kg khoai môn của người Dao đỏ xuống tới Hà Nội cộng các chi phí giá đã khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, anh bán ra chỉ 25.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn khá nhiều so với các loại khoai môn đang bán tại Hà Nội (từ 30-35.000 đồng/kg), cộng với sự thật thà, ý chí vươn lên của anh Khang, nên anh được nhiều người quý mến, ủng hộ nhiệt tình.
“Từ khi bắt đầu “giải cứu” (khoảng 2 tuần nay), mình đã bán được gần 2 tấn khoai môn. Hiện còn gần 500 đơn hàng khách đã đặt qua điện thoại, facebook, mà số khoai môn của bà con chỉ còn khoảng 1,5 tấn, mình sợ sẽ không đủ để phục vụ khách hàng”, anh Khang nói.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Khang cho biết sau khi bán hết 3,5 tấn khoai môn cho bà con, anh sẽ tiếp tục chạy xe giao hàng. Đợi khi tích cóp được 1 số vốn, anh sẽ về quê hướng dẫn bà con mở rộng mô hình nuôi gia súc, gia cầm sạch, trồng thực phẩm sạch và sẽmở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nho nhỏ để phục vụ người dân.
Có những ngày 22 giờ đêm anh Khang mới về tới phòng Ảnh Trần Cường
Ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, cho biết anh Khang rất nghị lực, nhân thân tốt, mẹ anh mất từ lúc anh còn nhỏ, bố lấy vợ 2 và có thêm 1 người em trai, bố anh Khang cũng mới mất năm ngoái. “Tôi rất khâm phục nghị lực vươn lên của Khang, mất đôi bàn tay mà vẫn thi đậu và tốt nghiệp một trường đại học có tiếng dưới Hà Nội”, ông Củi nói.
Theo ông Củi, bản người Dao đỏ ở thôn Pạc Tà có khoảng 30 hộ, 1 năm gần đây, nhiều hộ đã bắt đầu trồng khoai môn trên diện tích khoảng 4 ha. Do số lượng ít, không bõ để thương lái thu mua và chưa có đầu ra, nên bà con chỉ biết để trong nhà ăn dần. Được anh Khang thu gom bán giúp, mọi người ai cũng phấn khởi.
“Sang vụ mới, xã đang có chủ trương nhân rộng mô hình trồng khoai môn, tìm kiếm đầu ra cho bà con để canh tác ổn định”, Ông Củi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.