Chính thức tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Việt Nam Nanocovax cho 13.000 người

16/06/2021 18:14 GMT+7

Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, hai ngày qua, 500 tình nguyện viên đầu tiên đã được chọn để tiêm vắc xin Covid-19 Nanocovax của Việt Nam.

Trước đó, để được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, vắc xin Covid-19 Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) sản xuất đã phải trải qua những giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt cũng như đánh giá thận trọng về tính an toàn, hiệu quả. Rất nhiều kỳ vọng cho loại vắc xin “Made in Vietnam” này khi hiệu quả trong thử nghiệm giai đoạn 1, 2 đạt trên 80%.

500 người tiêm đầu tiên

Ngày 16.6, Công ty Nanogen cho biết, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax đã chính thức diễn ra. Cụ thể, ở phía Nam, Viện Parteur TP.HCM đã khởi động tiêm thử nghiệm tại Bệnh Viện Đa Khoa Bến Lức, tỉnh Long An cho những tình nguyện viên đầu tiên hôm 15.6. Ở phía Bắc, Học viện Quân y cũng triển khai tiêm tại Hà Nội và Hưng Yên. Dự kiến, tuần sau sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Nanogen ở TP.Mỹ Tho và H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Hiện đã tuyển lựa được 500 người được tuyển chọn để tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax

Hiện đã tuyển lựa được 500 người được tuyển chọn để tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax

Huy Thăng

Theo Công ty Nanogen, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ được chia làm 2 giai đoạn nhỏ, trong đó, giai đoạn 3A thực hiện tiêm cho 1.000 tình nguyện viên, nếu kết quả tốt sẽ tiến hành phê duyệt giấy phép lưu hành khẩn cấp cho tiêm chủng rộng rãi. Giai đoạn 3B sẽ tiến hành tiêm trên 12.000 tình nguyện viên. Hiện tại ở giai đoạn 3A, đã có 500/1.000 người được lựa chọn để tham gia tiêm thử nghiệm.
Mục tiêu ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên là đánh giá khả năng bảo vệ của vắc xin Nanocovax trên 13.000 tình nguyện viên khắp cả nước gồm Hà Nội, Hưng Yên; Tiền Giang, Long An và đang xem xét ở TP.HCM. Hoạt động thử nghiệm cũng đang được cân nhắc tổ chức ở Đà Nẵng, Nha Trang. Theo Nanogen, liều thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ là liều 25 mcg vì nhóm liều này có khả năng sinh miễn dịch cao như cả 2 liều còn lại nhưng lại tiết kiệm nguyên liệu dược hơn.
Tình nguyện viên tham gia tiêm vắc xin Nano Covax thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có cả những người lớn tuổi

Tình nguyện viên tham gia tiêm vắc xin Nano Covax thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có cả những người lớn tuổi

Huy Thăng

Cũng theo nhà sản xuất Nanogen, bên cạnh biến chủng Anh Quốc mà Nanocovax đã được kiểm duyệt là có thể trung hòa, trong giai đoạn 3, Nanocovax sẽ được tiếp tục nâng cấp, xem xét khả năng trung hòa với virus chủng Ấn Độ và kể cả chủng Nam Phi, Brazil. Hiện tại, Nanogen cũng đã tăng qui mô sản xuất để có thể đảm bảo qui mô khoảng 8 triệu liều/tháng.

Những kết quả khả quan

Hiện tại, với tiến độ và những kết quả khả quan từ các lần tiêm thử nghiệm, nhiều người kỳ vọng, Nano Covax sớm thành công và có thể triển khai tiêm rộng rãi cho người dân ngay trong năm 2021

Huy Thăng

Trước đó, đầu tháng 6.2021, Công ty Nanogen cũng đã có thông báo kết quả đầy triển vọng sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin Nanocovax, loại vắc xin được chế tạo từ chủng gốc CHO (Chinese Hamster Ovary Cells) được bảo hộ độc quyền cho Nanogen bằng công nghệ DNA tái tổ hợp. Sau khi được đánh giá độ an toàn trên 60 tình nguyện viên trong giai đoạn 1 và đạt kết quả rất tốt; ở giai đoạn 2, vắc xin Nanocovax đã tiêm thử nghiệm cho 560 tình nguyện viên, trong đó có 109 người trên 60 tuổi, đây là lứa tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm với bệnh và nếu mắc bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn nhóm trẻ. Kết quả, được đánh giá cả 560 tình nguyện viên tham gia đều sinh miễn dịch tốt đối với cả 3 nhóm liều (75 mcg; 50 mcg và 25 mcg). Tất cả các phản ứng phụ được kiểm soát tốt như sưng, đỏ, ngứa vùng tiêm hoặc triệu chứng sốt nhẹ… Ngoài ra, Nanocovax còn được nghiên cứu các chỉ số liên quan tới hiện tượng đông máu và kết quả cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép. Điều này giúp Nanogen có thể tự tin loại bỏ phản ứng phụ này ra khỏi vắc xin Nanocovax. Hiện tại, với tiến độ và những kết quả khả quan từ các lần tiêm thử nghiệm, nhiều người kỳ vọng, Nanocovax sớm thành công và có thể triển khai tiêm rộng rãi cho người dân ngày trong năm 2021. Đây sẽ là điều đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, và tiêm vắc xin được xem là giải pháp chính đẩy lùi dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.