Chịu hết nổi với ô nhiễm tiếng ồn ở TP.HCM: 'Cuộc chiến' gay go

Đó là khẳng định của nhiều cán bộ quản lý đô thị hay lãnh đạo các phòng tài nguyên - môi trường trên địa bàn TP.HCM trong xử lý vi phạm về tiếng ồn đô thị.

Thiếu máy đo
Thông thường, trước phản ánh của người dân về vi phạm tiếng ồn, cán bộ quản lý đô thị sẽ trực tiếp đến hiện trường để nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.
“Tuy nhiên, với các vi phạm ở quy mô lớn hơn thì phường phải chuyển lên phòng tài nguyên - môi trường (TN-MT) để đơn vị này xử lý. Do phường không được trang bị máy đo về tiếng ồn”, Chủ tịch UBND P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1) Lê Hồng Quang cho biết.
Chủ tịch UBND P.8 (Q.Gò Vấp) Tô Đình Triệu thì nêu ý kiến: “Nếu được trang bị thiết bị đo thì phải có cán bộ chuyên trách, thành thạo trong sử dụng, có kỹ năng chọn những vị trí để đo tiếng ồn chính xác, máy đo cũng phải đạt chuẩn. Ngay cả ở phòng TN-MT cũng chọn cách thuê đơn vị đo tiếng ồn bên ngoài trong các đợt kiểm tra hiện trường”.
Trở lại với việc gây ồn từ quán cà phê DJ Mỹ Hương 2 ở cạnh nhà ông Nguyễn Hoàng Lương (315 đường số 10, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM), lúc 20 giờ ngày 15.5, đoàn kiểm tra gồm lực lượng kiểm tra môi trường thuộc Phòng TN-MT Q.Gò Vấp, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội quận cùng lãnh đạo P.8, phối hợp với Trung tâm tư vấn công nghệ môi trường và an toàn vệ sinh lao động để đo tiếng ồn tại nhà ông Lương.
Cửa nhà ông Lương đóng kín, trước 21 giờ, âm thanh đo được là 68 dBA, vẫn trong ngưỡng cho phép. Sau 21 giờ, bảo vệ quán phát hiện nhà ông Lương có đông người nên đã báo với chủ quán, âm thanh nhỏ lại, nhưng kết quả đoàn kiểm tra đo được là 60 dBA, vượt ngưỡng cho phép tại thời điểm đó (theo quy định, ở trong khu dân cư sau 21 giờ thì mức độ tiếng ồn chỉ được phép 55 dBA). Đoàn lập biên bản vi phạm tiếng ồn, và ngày 17.5, UBND Q.Gò Vấp đã ký quyết định xử phạt 25 triệu đồng.
Phải xử lý triệt để
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dễ dàng xử lý. Có những vụ việc, đơn vị đo tiếng ồn phải tiến hành đo 24/24 giờ trong nhiều ngày mới phát hiện được hành vi vi phạm. “Mặc dù đi kiểm tra hoàn toàn đột xuất nhưng vẫn có khi đơn vị vi phạm phát hiện và lập tức điều chỉnh âm lượng. Phải có chứng cứ mới xử lý vi phạm một cách triệt để, hiệu quả nhất. Đấy là cái khó. Đấu tranh với tiếng ồn là một cuộc chiến khá dai dẳng và phức tạp, chứ không chỉ ngày một ngày hai”, ông Ngô Toại Chương, Phó phòng TN-MT Q.Gò Vấp, nhấn mạnh.
Về vi phạm tiếng ồn, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Với những hộ kinh doanh có gây ồn nhưng không vượt ngưỡng thì người dân xung quanh cũng nên gặp chủ hộ kinh doanh để phản ánh, yêu cầu khắc phục. Song song đó, lãnh đạo phường phải nhắc nhở bởi nhiều người không nắm rõ quy định về mức độ tiếng ồn. Một khi đã nhắc nhở rồi vẫn vi phạm, làm phiền người dân chung quanh thì tiến hành xử lý một cách triệt để”.
Có thể phạt tiền đến 160 triệu đồng
Theo luật sư Ngô Thái Tùng Thư - Đoàn luật sư TP.HCM, đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định như sau: Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA; Phạt tiền từ 1 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA trở lên. Bên cạnh đó còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên.
T.Đ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.