Chợ rau nhi đồng

04/01/2008 14:31 GMT+7

Gọi “chợ rau nhi đồng” vì chủ nhân của tất cả các hàng rau là những đứa trẻ KơTu mặt non choẹt không quá tuổi 15.

4 giờ rưỡi sáng. Thị trấn P'Rao (huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) vẫn còn chìm phủ trong màn sương mù dày đặc, tiết trời cuối năm lạnh căm. Lúi cúi đặt chiếc gùi nặng với những bó rau xanh mướt, A Rất Thị Ghiên khẽ đưa hai bàn tay đã cứng đờ vì lạnh xoa xoa vào nhau rồi áp lên má. Với nhiều đứa trẻ, giờ này vẫn còn đang say giấc. Còn với Ghiên, cô bé người KơTu 12 tuổi này, giấc ngủ đã qua cách đây 1 tiếng rưỡi đồng hồ, bởi đường từ nhà lên chợ phải mất hơn 1 giờ đi bộ.

P'Rao chỉ là một chợ nhỏ nằm bên đường Hồ Chí Minh, ngay ngã ba P'Rao đi Đà Nẵng - Quảng Nam - Huế. Hàng quán cũng không có gì nhiều ngoài vài ba hàng thịt, cá và rau của những phụ nữ người Kinh. Với huyện miền núi nghèo, đây cũng đã là nơi đông đúc. Điều đặc biệt, cứ vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, cái chợ nhỏ này lại nhộn nhịp hẳn lên với sự có mặt của gần 20 đứa trẻ Kơ Tu như Ghiên. Mặt hàng duy nhất mà những đứa trẻ này "kinh doanh" là... rau. Với những người khách phương xa, sự có mặt của chợ rau nhi đồng xem ra là khá lạ, nhưng với người dân thị trấn P'Rao, lại là chuyện thường ngày mỗi cuối tuần, bất kể trời mưa hay giá rét.

Chợ miền núi, từ năm giờ rưỡi sáng người mua đã khá đông. Gian hàng của những đứa trẻ đã được dọn ra tươm tất. Mấy tấm bao ni-lông được trải vội để bày biện những bó rau xanh mướt. Nào là rau dớn (một loại rau chỉ có ở rừng), rau lang, rau muống, hành lá... được bó từng bó be bé, vụng về từ bàn tay nhỏ nhắn của những đứa trẻã. Đó là sản phẩm, công sức của suốt một buổi chiều tối trước, các em phải lên rẫy, vào rừng hái, lấy công làm lời. "Bà chủ" hàng rau nào mặt mũi cũng đen nhẻm, chân tay và môi tím ngắt vì lạnh, co ro trong những bộ quần áo quá khổ, mốc xì.

Tranh thủ chợ vắng người, Ghiên tâm sự với người khách lạ bằng cái giọng Kinh lơ lớ. Nhà ở tận thôn Tà Vạt, mỗi ngày đi bán rau, Ghiên phải dậy từ hơn 3 giờ sáng, đi bộ, leo núi, cả đi lẫn về hơn 2 giờ đồng hồ. Nhà 6 anh em, Ghiên con thứ 3. Năm Ghiên còn rất nhỏ, ba mẹ chẳng may bị bệnh, qua đời. Vậy là cả 6 anh em được người chú ruột đem về cưu mang. Cuộc sống hằng ngày đã có cô, chú lo, chị em Ghiên bắt chước các chị trong thôn, đi hái rau bán để dành mua vở học. Giờ chị Ghiên đã lớn, không đi học nữa mà ở nhà làm rẫy, công việc bán rau giờ chỉ một mình Ghiên đảm đương. Ghiên bảo như vậy là còn sướng hơn nhiều đứa trẻ trong thôn không được đến trường.

Cách chỗ Ghiên bán mấy bước chân là hai chị em Rất Thị Mai (11 tuổi) và Rất Thị Ngọt (7 tuổi). Khác các bạn nhỏ bán rau khác, hàng của chị em Mai phong phú hơn nhờ có thêm mấy củ sắn và củ nghệ. Đường từ chợ về nhà ở thôn Cơ Nơm khá xa, Mai cười hồn nhiên bảo: "Có hai chị em cùng đi cũng vui, lại gùi được nhiều đồ hơn". Lúc này đã hơn 6 giờ sáng, hai chiếc gùi của Mai vẫn còn hơn nửa số rau. 11 tuổi đầu, Mai đã có kinh nghiệm gần 2 năm đi bán rau ở chợ, kiếm thêm tiền giúp bố mẹ. Mỗi bó rau với giá khiêm tốn chỉ 500 đồng, với sức vóc nhỏ bé gầy còm, những đứa trẻ này gùi nhiều nhất cũng chỉ chừng 10-15 bó các loại. Trung bình mỗi ngày, thu nhập của bọn trẻ cũng chỉ vài ngàn đồng, nhiều nhất là 10.000 đồng. Đối với những đứa trẻ như Mai, như Ghiên, đó cũng đã là một khoản kha khá phụ bố mẹ ở miền núi xa xôi hẻo lánh. Người đi chợ P'Rao mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật đều ưu tiên những sạp rau của bọn trẻ. "Tội nghiệp mấy đứa trẻ, trời mưa gió, lạnh mấy cũng đều đi bán. Rau của mấy đứa tươi non, rẻ, mình mua cũng để giúp tụi nó đỡ đần gia đình", chị Thoa, một người dân ở P'Rao bộc bạch...

Nói đến Tết, ánh mắt của những đứa trẻ sáng hẳn lên. Blong Phương ở thôn Đờ HRôồng tâm sự: "Mẹ bảo tiền bán rau từ đây đến Tết, mẹ sẽ mua dép mới cho hai chị em con". Bất giác, tôi đưa mắt nhìn xuống chân Phương, 10 ngón chân đứa trẻ mới học lớp 3 này đang tím đi vì lạnh, đôi dép nhựa bết đầy đất sét của em lộ ra sợi dây nhựa cột chỗ đứt. Ngại ngùng trước ánh mắt bất chợt của người lạ, đôi nhân đen nhẻm của Phương chợt ngọ nguậy. Nhìn lại mấy đứa trẻ khác, tất cả đều không hơn gì nhau, đều tả tơi, nhếch nhác. Chỉ có những bó rau là tươi non, ngon lành. Thời tiết cuối năm lạnh se sắt, nhìn những đứa trẻ bán rau ở chợ P'Rao phơi mình giữa gió để mưu sinh kiếm sống mà thấy nao lòng.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.