Chợ Xoài Tư và những dấu tích về đồn điền ngày xưa

Theo Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909, thì: “ Nguyên khi thiết lập đồn điền/ Hãy còn nền chợ ở miền Xoài Tư”. Nền chợ xưa giờ đã mất dấu vết, nhưng cái tên chợ Xoài Tư thì vẫn còn tại ấp 3 (xã Mỹ Thành Bắc, H.Cai Lậy, Tiền Giang).

Dấu tích đồn điền xưa…
Theo anh Châu Việt Hùng, người quản lý chợ Xoài Tư, chợ mới được xây dựng năm 2008 theo hình thức BOT, do ông Nguyễn Quốc Tiến (một doanh nghiệp ở H.Cái Bè) đầu tư với tổng vốn hơn 5 tỉ đồng. Chợ được xây dựng trên khu đất 7.000 m2 gồm khu nhà lồng mua bán các mặt hàng thịt cá, rau quả, thực phẩm và các ki ốt kinh doanh tạp hóa, kim khí điện máy, quần áo may sẵn…
Là chợ quê giữa vùng Đồng Tháp Mười nên chợ Xoài Tư bắt đầu họp từ 4 - 5 giờ đến 11 giờ thì vắng khách. Ở đây là ngã ba giáp 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè nên người đi chợ từ các xã Hậu Mỹ Trinh (H.Cái Bè), Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam (H.Cai Lậy)... khá đông. Còn ngôi chợ xưa nằm ở vàm rạch Cái Gáo, cách chợ mới chừng 500 m. Nơi đó cũng có nhà lồng chợ, việc mua bán đang phát triển nhưng vì diện tích hẹp nên chính quyền địa phương vận động bà con tiểu thương dời đến đây mua bán.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Xoài Tư là một trong những đồn điền xưa thời Nguyễn ở vùng Đồng Tháp Mười và có thể là chi nhánh của đồn điền Gia An, do Nguyễn Tri Phương vâng lệnh vua Tự Đức lập vào năm 1853. Theo các tài liệu xưa thì đồn điền Xoài Tư nằm trải dài từ rạch Cái Gáo lên Rạch Ruộng, bao trùm một khu vực rộng lớn nay thuộc các xã Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Trinh (H.Cái Bè) và Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (H.Cai Lậy).
Đồn điền xưa là một tổ chức bán quân sự được nhà Nguyễn chiêu mộ dân nghèo ở miền Trung và các tỉnh Nam kỳ tập hợp thành đội ngũ, vừa phục vụ mục đích kinh tế khai khẩn đất hoang, vừa sử dụng vào mục đích quân sự. Họ được trang cấp nông cụ, quân phục và chi phí hoạt động. Ngoài thời gian đồng áng, những lúc rảnh rỗi người dân đồn điền phải luyện tập võ nghệ và canh gác. Điểm canh thường đặt ở các vàm sông rạch, nơi có ghe thuyền qua lại. Cũng theo ông Tường thì tài liệu điều tra của Pháp cho thấy lúc họ mới đặt chân đến Nam kỳ thì đầu mỗi năm dân đồn điền phải tập hợp về tỉnh duyệt binh, 3 năm có cuộc thi võ nghệ múa gươm và bắn súng để thăng cấp.
Theo quy định thì tổ chức của đồn điền cứ 50 người biên chế thành một đội, có một viên chánh đội trưởng suất đội và một ban biện suất đội chỉ huy. Mười đội, tức 500 người thì họp thành một cơ, do một quản cơ, phó quản cơ hiệp quản. Khi khai hoang thành khoảnh thì có thể chuyển từ cơ chế đồn điền sang cơ chế dân sự, trở thành làng, tổng. Dân đồn điền là những người tiên phong tiến công vào Đồng Tháp Mười. Khi Pháp chiếm Định Tường thì dân đồn điền tham gia kháng chiến, các làng tan rã.
Hậu cần của Thiên Hộ Dương
Căn cứ vào tờ tấu của Thiên hộ Võ Duy Dương dâng lên vua Tự Đức thì nghĩa quân của ngài đã từng hoạt động ở vùng rạch Cái Gáo, làng Giai Mỹ. Theo địa chí của địa phương thì khu vực này có các nhánh họ Lê, họ Võ, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trần, họ Huỳnh ở các làng Tân Phú Đông, Tân Hội, Mỹ Quí (nay thuộc TX.Cai Lậy)… đã theo Võ Duy Dương vào vùng Xoài Tư khai hoang lập ấp, được ông huấn luyện võ nghệ, tham gia chống giặc.
Ngày 22.1.1863, lính viễn chinh Pháp dùng một pháo hạm nhỏ, ghe chài và tàu buồm theo rạch Bưng Môn tiến vào làng Tân Phú. Trước lực lượng hùng hậu của đối phương, Thiên Hộ Dương tạm bỏ đồn lui về Giai Mỹ, rạch Cái Gáo, nay thuộc địa phận H.Cai Lậy. Đây là vị trí thuận lợi cho nghĩa quân vì địa thế hẻo lánh, xa sông Tiền, xung quanh ruộng đất đã được khai khẩn canh tác, bên trong có đường vào Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ Đồng Tháp Mười còn hoang vu, sình lầy nhưng vùng Cái Gáo - Xoài Tư là khu vực đồn điền nên nguồn hậu cần tại chỗ khá dồi dào.
Sau mấy tháng nghĩa quân Thiên Hộ Dương đóng ở Xoài Tư, đến ngày 30.3.1863 thì thực dân Pháp hay tin. Chúng cho 2 tàu buồm theo rạch Bà Tồn vào thám sát. Bị nghĩa quân phát hiện, tấn công nên chúng vội vã rút lui. 8 ngày sau, giặc cho quân thử sức lần thứ hai nhưng cũng phải rút chạy như trước. Và ngày 10.4, quân Pháp tấn công lần thứ ba, nhận thấy nghĩa quân không đủ sức chống trả nhiều đợt tấn công liên tiếp của giặc nên Thiên Hộ Dương ra lệnh bỏ Cái Gáo rút vào căn cứ Tháp Mười.
Sau đó giặc bắt đầu phong tỏa các đường tiếp tế lương thực của nghĩa quân. Chúng đóng nhiều đồn bót, cắt đứt các đường giao thông thủy bộ. Bấy giờ lương thực thiếu thốn vì tiếp tế khó khăn. Thấy không cần thiết phải tập trung toàn bộ nghĩa quân, Thiên Hộ Dương ra lệnh cho họ trở về các khu đồn điền cũ để sản xuất, chỉ giữ lại khoảng 100 quan quân thân tín, nhưng phải thường xuyên cơ động để bảo toàn lực lượng.
Đồn điền Xoài Tư tan rã sau khi cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương thất bại. Bấy giờ một phần dân làng Giai Mỹ đã xiêu tán. Ông Phạm Văn Phụng tiếp tục mộ dân và lấy một phần diện tích làng Giai Mỹ để thành lập làng Giai Phú.
Qua hơn 150 năm, các làng đồn điền xưa ở vùng Xoài Tư đã trải qua nhiều biến động, sáp nhập, đổi tên, nhưng đình Giai Phú hiện vẫn còn tại ấp 5 (xã Mỹ Thành Nam). Mới đây người dân đã hùn tiền sửa chữa lại và được công nhận là di tích cấp tỉnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.