Chữ 'A HÀO' trên phiến đá và chuyện những cấm kỵ người Việt cần biết khi đi Nhật

Đoàn Xuân Hải
Đoàn Xuân Hải
07/11/2018 10:02 GMT+7

Việc ai đó khắc chữ “A HÀO” lên phiến đá ở di tích Yonago (Nhật Bản) khiến dư luận phản ứng dữ dội. Sự phẫn nộ có lý do của nó. Nếu bạn chuẩn bị đi du lịch, cần lưu tâm những cái "không" sau đây…

Không xả rác!
Nhật Bản là một trong những quốc gia có môi trường sống sạch nhất thế giới. Người Nhật không có thói quen “bạ đâu vứt đó” mà luôn luôn tìm thùng rác. Nếu không thấy thùng rác, họ mang về bỏ vào thùng rác của nhà mình. Ở nơi công cộng trên đất Nhật, du khách Việt Nam có thể sẽ bối rối khi đứng trước một hàng dài thùng rác vì mỗi thùng chứa một loại rác khác nhau. Họ có dán hình minh họa (chai lọ, lon nước, hộp giấy, thức ăn thừa…) trên mỗi thùng rác để mọi người biết mà bỏ vào cho đúng. Đây là kiểu phân loại rác ngay từ đầu đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Du khách Việt Nam có thể sẽ lúng túng khi đứng trước một dãy thùng rác trên đường phố Nhật Bản Đoàn Xuân Hải
Không nói chuyện ồn ào!
Đây được xem là “tật” của một bộ phận người Việt Nam khi có thói quen nói chuyện với âm lượng “cả tổ dân phố đều nghe”. Điều này hoàn toàn trái ngược với bản tính của người Nhật vốn ăn nói nhỏ nhẹ. Khi đang ngồi trên tàu điện, bạn nên tránh nói chuyện qua điện thoại di động, vì như vậy sẽ làm phiền người khác. Trong hoàn cảnh này hãy nhắn tin. Khi vào nhà hát, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, nhà hàng… bạn nên nói chuyện nhỏ nhẹ, không cười cợt, chạy nhảy lung tung, vì những hành vi ấy trong mắt người Nhật là bất lịch sự. Bạn chớ áp dụng “văn hóa nhậu nhẹt” theo kiểu “một, hai, ba dzô” như thường thấy trong các quán nhậu, nhà hàng xứ mình.
Không mang đồ ăn vào nhà hàng!
Người Nhật rất chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó khuyến cáo thực khách không được mang thức ăn và cả nước uống vào nhà hàng hoặc quán ăn.
Nhà hàng Nhật Bản khuyến cáo khách không mang đồ ăn, thức uống vào Ảnh minh họa: Shutterstock
Tại sao? Vì nếu chẳng may bạn bị ngộ độc thực phẩm, nhà hàng của họ sẽ liên lụy. Người Nhật không có thói quen để thừa mứa thức ăn trên bàn trước khi ra về, họ kêu món vừa đủ và ăn là phải hết. Nếu thức ăn thừa quá nhiều (có cả những món chưa ai đụng đũa vào) mà bạn muốn gói mang về, chủ nhà hàng sẽ kiên quyết từ chối. Vì họ sợ gói thức ăn ấy “có vấn đề” trong quá trình vận chuyển từ quán ăn về nhà hoặc khách sạn, chẳng may xảy ra ngộ độc thực phẩm thì họ sẽ “liên đới chịu trách nhiệm”. Khi ăn theo kiểu buffet, bạn đừng để thừa mứa thực phẩm trên đĩa của mình, vì đó hành vi xấu xí.
Không hút thuốc lá khi đi bộ!
Người Nhật không bao giờ vừa đi bộ vừa hút thuốc hoặc ăn uống. Họ chỉ dừng lại hút khi nơi ấy có gạt tàn, hút xong dụi tàn thuốc rồi mới đi tiếp. Nếu hút thuốc ở nơi thông thoáng mà nơi ấy lại không có cái gạt tàn thì họ dụi nó vào cái gạt tàn bỏ túi (ở Nhật Bản có bán loại “gạt tàn thuốc di động” này), về đến nhà trút vào thùng rác. Tóm lại, bạn không nên hút và vứt tàn thuốc bừa bãi khi đang ở nước Nhật. Không chỉ đi bộ, ngay cả khi đang lái xe người Nhật cũng không hút thuốc hoặc ăn uống.
Không tự ý chụp hình khi chưa xin phép!
Chụp hình cảnh đẹp, lễ hội hoặc các cô gái mặc Kimono trên đường phố ở Nhật Bản “không thành vấn đề”. Nhưng nếu khi bước vào nhà hàng, quán ăn mà bạn cố tình chụp hình người Nhật đang ăn uống là điều cấm kỵ, vì nơi ấy được xem là “chốn riêng tư”. Người Nhật, nhất là các cô gái mặc Kimono sẵn sàng tạo dáng cho du khách chụp hình trên đường phố, thậm chí chụp chung với bạn, nhưng sẽ rất khó chịu nếu bạn chạy theo rồi chĩa ống kính vào mặt họ. Để tránh phiền phức khi muốn ghi hình, tốt nhất bạn nên xin phép và được họ vui vẻ đồng ý.
Các cô gái Nhật mặc Kimono trên đường phố Ảnh: Shutterstock
Không giống như văn hóa phương Tây, bạn chớ nên tỏ thái độ thân thiện với người Nhật bằng một cái ôm nồng ấm khi gặp nhau hoặc tạm biệt. Chỉ nên bắt tay hoặc gập người chào theo đúng kiểu xứ Phù Tang là được rồi. Khi đã say xỉn, bạn cũng đừng có những hành vi theo kiểu “tình thương mến thương” với tiếp viên nhà hàng hoặc quán karaoke.
Không mang giày dép xông thẳng vào nhà!
Người Việt nên chú ý khi đến chơi nhà người Nhật Ảnh minh họa: Shutterstock
Đại đa số nhà của người Nhật lát sàn gỗ láng bóng, do vậy họ thường bỏ giày dép ngoài hiên trước khi bước vào bên trong. Thói quen này có từ thời xa xưa. Cho dù sàn nhà bằng gỗ hay vật liệu gì khác thì bạn có thể mang vớ bước vào trong với điều kiện nó phải khô ráo và không nên xách đôi giày kè kè theo với tâm lý sợ để ở ngoài… bị mất. Một số chùa, đền thờ, lăng tẩm, lâu đài… cũng áp dụng “văn hóa chân không”. Bạn hãy an tâm giày dép của mình sẽ không bị ai đó lấy mất, vì thói trộm cắp không tồn tại trong văn hóa của người Nhật. Nếu chẳng may bạn bị mất đôi giày khi đến thăm một điểm du lịch nào đó, thì đến 99.9% kẻ cắp không phải là người Nhật...
Không cố tình "mua mà quên trả tiền"
Nhớ trả tiền khi mua sắm, nói như vậy nghe có vẻ khó hiểu, vì mua sắm tất nhiên phải trả tiền. Thế nhưng ở Nhật Bản người ta bày hàng hóa có khi ra cả ngoài vỉa hè, con hẻm mà chẳng hề có người trông coi hoặc giám sát bằng camera. Ở những tiệm như vậy gần như chỉ có 1 người quản lý (để thu tiền) ngồi tận sâu bên trong, rất khó nhìn thấy. Sau khi mua hàng xong, bạn cố gắng tìm cho ra người quản lý tiệm để trả tiền. Đặt trường hợp tìm không ra chủ tiệm để trả tiền, nếu thấy ái ngại, bạn hãy trả lại món hàng đúng vị trí của nó, rồi bước đi. Nếu ai đó cố tình “mua mà quên trả tiền” thì chẳng ai biết và cũng không có người nào chạy theo kêu bạn lại. Đây là lý do khiến nạn ăn cắp vặt ngày càng trở nên “nhức đầu” ở đất nước Mặt trời mọc.
Đi mua sắm ở Nhật Bản Đoàn Xuân Hải
Không móc tiền ra "boa"!
Văn hóa Nhật khác hẳn với văn hóa Mỹ trong việc “boa”. Ở Mỹ hầu như đụng tới dịch vụ gì cũng phải tip (chi tiền cho người phục vụ trong khách sạn, nhà hàng, tài xế…). Do vậy khi đến Nhật Bản, bạn đừng bao giờ theo “quán tính” móc tiền ra “boa” cho người phục vụ, họ sẽ từ chối nhận. Nên nhớ đừng cố ép họ nhận tiền tip vì như vậy là bất nhã. Nếu thực khách cố tình hoặc vô ý để lại tiền thừa trên bàn sau khi thanh toán hóa đơn, nhân viên nhà hàng sẽ chạy theo trả lại số tiền ấy cho bạn mà không quên cúi đầu chào và nói lời cảm ơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.