Chuyện một gia đình yêu hoa: Sống cùng hoa không lo... stress

31/12/2005 16:22 GMT+7

Có một gia đình 3 thế hệ gắn bó với nghề trồng hoa. Tình yêu hoa được họ nói một cách giản dị rằng: “Cứ nhìn thấy hoa là... mê!”. Từ một cửa hàng bán phong lan mang tên Kim Ngân, họ lập nên công ty cổ phần Kim Ngân phong lan, đang từng bước xây dựng một thương hiệu hoa lan "made in Việt Nam" từ tình yêu hoa không bao giờ biết mệt mỏi...

Chị Đức, một thành viên trong gia đình yêu hoa lan và gắn bó hơn 15 năm với hoa lan bắt đầu câu chuyện thật giản dị: "Nhà mình có truyền thống làm cây cảnh từ đời bà ngoại đến giờ. Hồi nhỏ, má mình đã cùng bà trồng và bán cây hoa cảnh. Cũng có một thời gian kinh tế đất nước khó khăn, chẳng mấy ai chơi hoa nữa nhưng má vẫn gắn bó với việc nâng niu, chăm chút vườn hoa... Mấy anh chị em trong nhà lớn lên, mỗi người một nghề nhưng hầu như không ai là không yêu hoa. Cứ mỗi dịp lễ tết, tất cả đều gác việc riêng về phụ má bán hoa".

Sau này - chị Đức kể - do cô em út tên Kim Ngân đặc biệt say mê hoa lan, cả gia đình bèn quyết định đổi sang chỉ tập trung vào trồng lan. Bên cạnh nuôi trồng các loại lan trong nước, gia đình chị đã nhập khẩu hoa lan từ các cường quốc lan trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan. Cùng với đời sống kinh tế phát triển, hoa lan ngày một được ưa chuộng, trở thành thú chơi tao nhã của rất nhiều người. Mẹ chị Đức, bà Dư Thị Tươi, hiện bà Ủy viên BCH Hội hoa lan thành phố.

"Đã từ rất lâu, gia đình chúng tôi tự đặt ra câu hỏi: "Làm sao để hạ giá thành sản phẩm và giúp nhiều gia đình có thể tiếp cận với loài hoa quý này..."". Cả mấy mẹ con chị rất nhiều lần sang các nước láng giềng để dự các hội chợ hoa và đã bị chinh phục hoàn toàn trước công nghệ trồng lan ở đây. Lan mang về cho đất nước họ bạc tỉ, vậy tại sao Việt Nam mình không thể làm được điều đó? "Chúng tôi quyết định nhập giống lan và trồng tại Việt Nam". Chị Đức kể, đây là một ý tưởng mạo hiểm với bất cứ doanh nghiệp nhỏ trong nước nào. Ở Việt Nam, việc trồng lan chưa thực sự được chú ý và phát triển. Lan là loài hoa rất kén về thổ nhưỡng, khí hậu... Dù nước ta nhiều vùng khí hậu ôn hòa, việc nuôi trồng lan rất giàu tiềm năng phát triển, song chưa có những thống kê khảo sát cụ thể về các vùng đất xem có thích hợp với các loài lan quý hay không.

Sau rất nhiều tìm tòi, nghiên cứu, gia đình chị quyết định thử nghiệm một vườn lan với các giống lan ôn đới của Đài Loan tại vùng đất Bảo Lộc vốn là quê hương của nhiều giống lan quý của Việt Nam. Khu vườn đầu tiên là khu nhà kính có quy mô 1,3 ha với công nghệ hiện đại theo đúng quy trình nuôi lan của Đài Loan. Gia đình thay nhau cử người lên chăm sóc, trông nom về phần kỹ thuật. Nuôi hoa lan là một công việc rất khó khăn, lại luôn phấp phỏng bởi những thay đổi của thời tiết nắng mưa. Bà Tươi dù tuổi đã ngoài 60 nhưng có lẽ do niềm "say" hoa khiến bà lao động không biết mệt mỏi. "Má tôi vẫn làm ngày làm đêm đấy. Nhiều đêm tự mình nhảy xe đò đi lên Bảo Lộc để chăm sóc cây hoa" - Chị Đức nói.

"Vậy gia đình chị đã... phát tài nhờ hoa lan?". Chị Đức mỉm cười lắc đầu: "Thực ra nếu nói là giàu vì nghề trồng hoa thì... chưa. Bởi chúng tôi đã đổ hầu như toàn bộ vốn liếng vào mấy vườn lan. Điều mà tôi luôn trăn trở là làm sao để có thể tạo ra một loại đặc trưng trở thành một hình ảnh riêng của phong lan Việt. Điều đó cần có sự góp sức của các nhà vườn, sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước...".

Giờ đây, ngoài việc coi sóc cơ sở bán lan tại TP.HCM, bà Tươi vẫn như con thoi đi lại giữa các vườn tại Lâm Đồng và Buôn Mê Thuột. Và có lẽ chính vì được làm việc với hoa mà bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Chị Đức tâm sự: "Cũng chính vì mê hoa nên bây giờ tôi sẽ chuyển nghề tay trái sang tay phải. Làm việc với hoa không bao giờ bị stress, tất nhiên trừ lúc hoa nở trái vụ thôi".

Mai Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.