Chuyện nông thôn miền Tây: 4 chị "cưa" 5 lít

24/10/2006 14:36 GMT+7

Lâu nay nói chuyện nhậu, ai cũng nghĩ cánh đàn ông con trai, còn đàn bà con gái thì ít khi nhậu nhẹt, có chăng chỉ ở thành phố hoặc người có công việc thường xuyên giao tiếp. Thế nhưng, gần đây nhiều phụ nữ nông thôn miền Tây nhậu tưng bừng, mà đã nhậu thì phải… tới bến!

Mấy chị mà nhậu, mấy anh “chạy dài”...

Nghe anh bạn đồng nghiệp kể chuyện nhậu trong giới nữ nông thôn: “Các chị có chồng, chưa chồng, góa chồng… đều nhậu, nhiều em 17-18 tuổi đã là tay nhậu cứng cựa, có bà tuổi đã bước qua hàng 50 - 60 trước đây chưa hề nếm miếng rượu miếng trà, nay cũng tập tành “dzô” 100%?”. Tôi không tin nhưng anh quả quyết: “Cứ đi theo tôi, rồi sẽ biết”.

Từ thị xã Sóc Trăng, chúng tôi ngược quốc lộ 1A về cầu Phụng Hiệp rồi vào xã Ba Trinh, huyện Kế Sách. Đây là xã vùng sâu heo hút, không có chợ, đi lại khó khăn, dân cư phân tán. Dừng xe ở ấp 7, anh bạn đưa tôi ghé nhà người quen là dì P.T.N, 53 tuổi.

Anh bạn giới thiệu tôi là dân thành phố, lâu lâu mới về quê chơi nên dì N. rất quý. “Khách đến nhà hổng gà thì vịt” - dường như người miền Tây nào cũng nằm lòng câu ấy. Thật vậy, trò chuyện chưa bao lâu thì nhà sau đã có người làm gà. Thông thường, nhà nào có tiệc thì năm bảy gia đình bên cạnh đều được mời đến chung vui. Anh Tư-chị Tư, rồi chú Sáu-thím Sáu; bà Năm; cô Bảy… chỉ chốc lát gần chục người tề tựu.

Cái “gu” nông thôn là rượu đế, giá cực rẻ chỉ 3.000đ - 4.000đ/lít. Dì N. mở màn 100%, lần lượt xoay vòng mỗi người 1 ly, kèm theo quy định “không kê táng - không khạc nhổ!”, ai vi phạm phạt 1 ly (!?). Mới nghe, tôi đã choáng váng bởi đế nông thôn mà “chơi nguyên ly” là cổ họng nóng bừng, mùi cồn nồng nặc…

Mới 3 vòng (mỗi người chưa được 1 xị), tôi đã toát mồ hôi, mặt đỏ bừng; trong khi các bà - các chị thì tỉnh queo cười nói. Í ới thêm một lát thì 5 lít hết sạch, đầu tôi nhức bưng bưng. Thấy vậy, bà Năm đề xuất chuyển sang bia “cho nhẹ” để tiệc vui được kéo dài.

Vùng quê, chỉ có bia địa phương và BGI, cao hơn chút là Sài Gòn xanh; còn Tiger hay Heineken không ai bán do giá cao. 2 két BGI kéo về, chai ai nấy “ôm”. Cố lắm chỉ hơn két đầu tôi đã “đầu hàng”, còn anh bạn vốn thuộc “đội mạnh” cũng chào thua khi hết két thứ 2. Các bà - các chị làm tiếp két thứ 3, thứ 4…

4 chị 5 lít - 9 bà 9 két!

Bác sĩ Phạm Văn Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp phân tích: Phụ nữ không nên sa đà vào chuyện nhậu. Về gia đình, khi phụ nữ nhậu nhiều dễ bỏ bê công việc, thiếu sự chăm lo gia đình, khó dạy dỗ con trẻ. Về xã hội, trái với phong tục tập quán người Á Đông, truyền thống dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Về sức khỏe, nhậu nhiều dễ gây nghiện, nguy cơ bệnh dạ dày, gan, tiêu hóa. Đặc biệt, rượu ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Dì N. kể, các con đã lên thành phố làm công nhân cho các xí nghiệp, chỉ có 2 vợ chồng già ở nhà, kinh tế không giàu nhưng do bản tính mến khách nên thỉnh thoảng “chén rượu - chén trà” cho vui. Ông N.V.B (chồng dì N.) lý giải: “Mỗi tháng không dưới 15 lần bà con, lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, ăn mừng… gần đây còn thêm sinh nhật! Không thể không đi mà đã đi thì không thể không nhậu. Những chỗ thân tình, chồng đi vợ cũng theo và ông nhậu thì bà cũng… nhậu”. Từ chỗ một vài bà biết nhậu, từ từ nhiều người nhậu theo. Thím Sáu kể, tháng trước, thím và dì N. cùng hai chị em hàng xóm bán vườn bưởi được giá, 4 người vui tới… 5 lít đế, rồi còn karaoke vài đĩa mới nghỉ! Còn dì N. lần đi ăn tiệc ở miệt cồn Kế Sách, 9 bà “chơi” cả ngày hết sạch 9 két bia khiến cánh đàn ông phục sát đất (!?).

Ở xã Thới An Hội (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) có chị H.T.P, 29 tuổi, là tay nhậu cừ khôi. Lúc rảnh, chị P. cùng vài chị em lối xóm thường “nhâm nhi” vài xị. Hứng chí thì mỗi người ôm 1 chai 5 xị, ai hết mới cho nghỉ. Không riêng gì P., mấy người em gái cũng nhậu sếp sòng.

Có người mới 17 - 18 tuổi nhưng “ai tới đâu - mình tới đó”. Còn cô Tư và ba công chúa đều là “phi đội mạnh” của xóm. Chị Hai H. quả quyết: “Ở đâu hổng biết, chớ còn xứ này khi có đám tiệc, giỗ chạp… đàn ông đàn bà bình đẳng như nhau. Bàn đàn ông có rượu bia thì cánh đàn bà cũng vậy. Ai thích thì giao lưu, ai say thì đi ngủ… cứ thế mà chơi, tới bến mới về!”.

Tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), rải rác 18 xã, thị trấn đều có phụ nữ biết uống rượu. Anh Trần Xuân Nghiêm, Giám đốc Sở TDTT tỉnh Kiên Giang, cho biết thêm: “Đi công tác phong trào ở Gò Quao, nhiều em gái nông thôn tuổi 16 đến 23, uống trên 1 lít rượu/người là chuyện thường".

Phụ nữ nhậu - nên hay không?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn chị em phụ nữ nông thôn biết nhậu và nhậu nhiều thường rơi vào gia đình từ nghèo đến đủ ăn, học hành hạn chế… Một số trường hợp đồng lòng “chồng nhậu - vợ cũng nhậu” hoặc “mẹ nhậu - con gái... uống theo”.

Cái được ở họ là nhậu xong đi ngủ, ít trường hợp la ó, quậy phá như cánh đàn ông. Dù vậy, nhiều tình cảnh éo le đã xảy ra khi các chị quá vui chén đã khiến gia đình xào xáo. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Khi đi làm, giao tiếp không thể tránh được vui vài ly nhưng chúng tôi không cổ vũ hay ủng hộ chị em uống rượu nhiều, uống thường xuyên”.

Anh Danh Hương, Phó chủ tịch UB MTTQ huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), nhìn nhận: “Chuyện phụ nữ uống rượu không thể cấm đoán. Vấn đề là phải biết giữ chuẩn mực. Tiệc cưới, họp mặt uống vài ly thì được, chớ ngày nào năm bảy chị em cũng cầm ly “dzô, dzô” thì khó mà chấp nhận”.

Nhiều người không đồng tình khi giới nữ uống rượu nhiều, uống thường xuyên, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Tuy nhiên, Hội phụ nữ cơ sở tỏ ra dè dặt khi vận động, vì “các chị không nằm trong tổ hội dễ đụng chạm tự do cá nhân”. Đáng lo ngại nhất là khi phụ nữ nhận đến đẳng cấp “sành điệu” thì tửu lượng họ rất cao (hơn cả nam giới) nên rất khó bỏ.

Theo Huỳnh Phước Lợi/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.