Chuyện quái dị từ những lời thách đố trên Facebook

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều clip có nội dung thách đố làm những việc “trên trời dưới đất”, như đổ xăng tự thiêu, tự xưng “giang hồ” có thể “bao” địa bàn các quận, huyện... để câu like.

Ngày 25.9, một thành viên tên Nguyễn Tiến đăng tải lên Facebook dòng trạng thái có nội dung: “VN nói là làm. Tôi nói là tôi làm. Tối nay 7 giờ tôi tự đâm mình. Quyết tâm lên”, và không quên dẫn đường link một trang fanpage khác tên “Nguyễn Tiến Việt Nam Nói Là Làm” để kêu gọi: “Mọi người bấm thích trang giùm. Từ nay tôi lập trang này để thử thách chính mình. Ai góp ý những thử thách hành động mạo hiểm, tôi coi xem được tôi sẽ làm. Tôi nói tôi làm”.
Chỉ trong một giờ đăng tải, dòng trạng thái trên nhận hàng chục nghìn lượt “like” (thích), cùng hàng trăm lượt chia sẻ. Riêng fanpage đã có gần 4.000 lượt theo dõi, thậm chí nhiều thành viên khác còn nài nỉ “mong được làm thành viên” trong fanpage!

tin liên quan

Nói là làm câu like kinh hãi: Ăn 'vật lạ' từ bồn cầu
Sau câu chuyện thanh niên tuyên bố 'tẩm xăng tự thiêu tại kênh Tân Hóa' nếu đủ 40.000 like, thì hôm 23.9 lại xuất hiện thêm một thanh niên tung clip đang ăn 'vật lạ' được mang ra từ bồn cầu khiến cộng đồng kinh hãi.
Nguyễn Tiến đăng trạng thái “tự đâm” mình để câu like
“like là làm”
Trước đó, ngày 20.9, chính Nguyễn Tiến là người đã đăng lên trang Facebook cá nhân đoạn clip có nội dung: “Nếu clip này đủ 40k (40.000 like - PV) thì tôi sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt rồi nhảy cầu Tân Hóa. Đủ like tôi sẽ làm, tôi nói là làm, share (chia sẻ - PV) mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”. Chỉ sau 1 ngày đăng tải, trang Facebook cá nhân của người này đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ. Thấy nhiều người sốt ruột trước lời hứa của mình, người này còn đăng tải dòng status để trấn an: “Yên trí, đã nói thì phải thực hiện. Ngủ dậy xong chuẩn bị tinh thần tự hỏa thiêu mình”.
Đáng nói, trước tuyên bố dị thường của Nguyễn Tiến, hàng nghìn thành viên trên Facebook bất chấp việc có thể xảy ra án mạng vẫn bấm like, hô hào cổ vũ chỉ mong được… xem cảnh tự thiêu. Không những thế, đúng giờ hẹn, hàng trăm người, hầu hết là giới trẻ, tập trung đông đúc ở điểm hẹn là khu vực cầu Tân Hóa… chờ xem tự thiêu; thậm chí nhiều người còn vô tư chuẩn bị sẵn điện thoại để… live stream (trực tiếp lên Facebook), khiến giao thông ùn ứ và lực lượng chức năng phải can thiệp để vãn hồi trật tự. Sau đó, để chứng minh mình “nói là làm”, lúc 23 giờ cùng ngày, Nguyễn Tiến đổ xăng lên người rồi… quẹt lửa đốt và nhảy xuống kênh Tàu Hủ.
Tương tự, ngày 23.9, một thành viên khác còn quay clip tuyên bố nếu đủ 30.000 lượt “like” sẽ tắm… phân lên đầu khiến nhiều người kinh hãi, ghê tởm. Chưa dừng lại ở đó, sau khi thực hiện clip như đã hứa, người này tiếp tục đăng lên Facebook sẽ ăn luôn thứ chất thải này nếu đủ 40.000 lượt like và tuyên bố “nói là làm”…
Một thành viên tắm phân lên người để câu like
Tiềm ẩn mâu thuẫn, xung đột
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, khi đăng tải clip có nội dung thách đố trên mạng xã hội như vậy thì con người không có sự tương tác trực tiếp với nhau để có những điều chỉnh ngay lập tức, mà phản ứng bị trì hoãn và không giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo nên tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, dẫn đến mâu thuẫn đó ngày càng tăng cao. Những video clip như vậy không chỉ truyền tải thông điệp cho người mà mình muốn nhắn đến mà nó còn thể hiện ra cả cộng đồng.
"Chính vì vậy, người ta hay nói quá, nói lố, nói cường điệu lên để tạo dựng cho mình một hình ảnh, một sức mạnh, cường điệu hóa so với ý tưởng ban đầu mà mình muốn chia sẻ. Vô tình điều đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng và đối tượng mình muốn nhắm đến. Khi đó phía “đối thủ” tiếp tục đăng tải một đoạn clip khác để đối đáp thì đẩy mâu thuẫn sự việc lên cao. Và chắc chắn là cuộc hẹn gặp nhau sẽ xảy ra không sớm thì muộn. Vì nó thể hiện cái tôi trình diễn, bản sắc cá nhân nhưng lại mang tính cường điệu hóa và thách thức nhằm được mọi người biết đến. Điều đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột và dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan", thạc sĩ Đào Lê Hòa An nói.
Có thể xử lý hình sự
Theo một cán bộ Công an TP.HCM, những vụ việc xảy ra thời gian qua rơi vào thành phần thanh thiếu niên có lối sống lệch lạc. Hành vi đó đáng phê phán, nhưng đáng phê phán hơn là những người vào like, ủng hộ khiến hành động đó càng bộc phát mạnh mẽ hơn, gây nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng xấu, tiêu cực khó lường cho xã hội. Về mặt pháp lý, nếu hành vi đó thể hiện trên mạng nhưng gây ra hậu quả, thiệt hại về người và tài sản ngoài thực tế thì cũng có thể xử lý hình sự.
Đàm Huy
Bị phạt hành chính vì hẹn đánh nhau ở phố đi bộ
Tối 3.8.2015, sau khi đăng clip chửi nhau trên Facebook, Đ.T.T.V (18 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) và V.H.T.V (18 tuổi, ngụ TX.Dĩ An, Bình Dương) hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) để “nói chuyện”. Theo hai người này còn có hàng trăm thanh niên khác, tụ tập đông nghẹt ở phố đi bộ, gây mất trật tự công cộng. Vụ việc được Công an P.Bến Nghé (Q.1) phối hợp cùng nhiều đơn vị khác kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra xô xát, thương tích; đồng thời lập biên bản và phạt 16 người vì hành vi gây rối trật tự công cộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.