Chuyện tình làng phong và đám cưới chỉ vỏn vẹn 500 ngàn đồng

07/03/2017 12:12 GMT+7

Đó là mối tình đẹp, có hậu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Báo (43 tuổi) và chị Lâm Thị Thạch (37 tuổi, đều ở Lạng Sơn), hai bệnh nhân phong tại Trung tâm da liễu và điều trị phong (xã Tân Kim, H.Phú Bình, Thái Nguyên).

Trong căn nhà nhỏ của gia đình tại khu điều trị phong trên địa bàn xã Tân Kim, vợ chồng anh Báo kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đớn đau, tự ti khi mắc phải căn bệnh quái ác; về những tháng ngày hạnh phúc nương tựa nhau dưới một mái nhà, được nghe tiếng trẻ bi bô gọi bố, gọi mẹ.
“Chúng tôi sinh được 2 đứa con, cậu trai lớn năm nay 13 tuổi và cô út vừa lên 5. Cuộc sống của cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng, 2 con bò cái, 1 con bò con và đàn gà. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi vui vì hai cháu đều khỏe mạnh, lành lặn, vợ chồng con cái luôn yêu thương nhau hết mực. Nói thật lòng, đây là điều mà nhiều năm trước, tôi không dám mơ tới”, anh Báo chia sẻ.
Nhấp ngụm nước chè, anh Báo kể tiếp, năm 1995, những chấm tròn nổi khắp cơ thể, đi khám, anh biết mình mắc phải bệnh phong. Một năm sau, do biến chứng của bệnh, anh bị viêm xương gót, phải cắt mất một chân. Rồi 2 bàn tay cũng bị tật.
“Tôi tuyệt vọng vô cùng, chỉ muốn tìm tới cái chết như một sự giải thoát”, anh Báo nhớ lại. Theo người đàn ông này, năm 1997, anh vào Trung tâm da liễu và điều trị phong tại xã Tân Kim chữa trị. Và nơi đây không chỉ giúp anh vơi đi những cơn đau bệnh tật mà còn giúp anh tìm thấy hạnh phúc của đời mình. “Tôi gặp cô ấy. Hai người bệnh cùng cảnh ngộ nên dễ cảm thông, sẻ chia”, anh Báo nói.
“Khi đó hai con người cùng quê gặp nhau giữa nơi đất khách quê người lại chung cảnh bệnh tật, nhìn anh, tôi thấy thương lắm. Tình thương tôi giành cho anh đến là lạ, rồi thấy thích thích anh. Và anh cũng thích tôi nên cả hai quyết định đến với nhau trong sự vun vén của các bệnh nhân và y bác sĩ. Một đám cưới đạm bạc chỉ với vỏn vẹn 500.000 đồng mua bánh kẹo và nước trà đãi khách được diễn ra ấm cúng vào năm 2000. Chính anh ấy, rồi sau này là các con, đã tiếp thêm nghị lực cho tôi từ bấy cho đến nay”, chị Thạch ngồi bên chồng, góp vào câu chuyện.
Tình nguyện chăm sóc bệnh nhân
Trước tết Nguyên đán 2017, anh Báo bị lao màng não, sốt cao và co giật. Chị Thạch chạy vạy khắp nơi đưa anh đi viện, chăm cho anh từng thìa chào, giấc ngủ. Nhờ đó, bệnh tình của anh đã giảm, sức khỏe khá hơn, giờ chỉ phải điều trị ngoại trú.
“Khi chưa mắc bệnh như vừa rồi, anh Báo tuy chân tay bị tật nhưng vẫn giúp vợ con được ít nhiều. Giờ không đi lại được, anh gần như phụ thuộc vào vợ. Tuy vậy, chị Thạch chưa một lời than vãn, vẫn ngày ngày tận tình chăm sóc chồng. Tình cảm của vợ chồng chị Thạch thật đáng trân quý. Tôi nghĩ họ sẽ vượt qua được khó khăn, vì tình yêu họ giành cho nhau, và vì tương lai tốt đẹp của hai đứa con”, chị Đàm Thị Quế, là hàng xóm, người nhiều năm chứng kiến hoàn cảnh của vợ chồng anh Báo, cho biết.
Dù chăm chồng, bận lo toan việc nhà, chị Thạch vẫn cố gắng đến phụ giúp quét dọn, nấu nướng, giặt quần áo, trò chuyện và giúp các bệnh nhân cao tuổi tại khu điều trị bệnh phong ăn uống. Có những cụ không thể đi lại được, chị tận tình đem thức ăn tới tận giường hoặc giúp các cụ vệ sinh cá nhân, thậm đem bô đi đổ. “Mình đã từng là bệnh nhân nên rất thấu hiểu hoàn cảnh của các cụ. Thấy thương lắm nên mình cố gắng giúp được các cụ phần nào là mình thấy vui rồi”, chị Thạch nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.