Cũng kể từ đây, trẻ em được tung tăng cắp sách đến trường trên con đường phẳng phiu, sạch đẹp; người lớn thuận lợi hơn trong việc vận chuyển nông sản từ nương rẫy về nhà. Đây là hiệu quả của việc thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Đăk Rơ Nga.
Khi chúng tôi hỏi thăm việc người dân hiến đất làm đường NTM, ông A Xuất, Trưởng thôn Đăk Manh 2, vui vẻ cho biết có gần 20 hộ ở thôn này đã tự nguyện hiến đất. Có hộ hiến hơn 400 m2. Vừa nói, ông A Xuất vừa dẫn chúng tôi đi thăm con đường bê tông mới mở nối xóm mới với đường ĐH53.
Theo ông A Xuất, xóm mới có 10 hộ dân thì cả 10 hộ đều tự nguyện hiến đất để mở đường. Không chỉ hiến đất, bà con nơi đây còn chặt bỏ các loại cây có giá trị kinh tế cao như nhãn, cao su, cà phê, bời lời đang trong kỳ thu hoạch. Trước đây, đường vào xóm mới là một con hẻm nhỏ. Mỗi khi mưa xuống, con hẻm này trở nên lầy lội, đi lại rất khó khăn. Để vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà, chở phân bón, cây giống từ nhà lên nương rẫy, bà con nhân dân ở xóm mới phải đi đường vòng xa gấp đôi. Khởi công giữa tháng 2.2020, đến cuối tháng 3, đường vào xóm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo chân ông A Xuất, chúng tôi tìm đến gặp ông A Nhoi (66 tuổi), người đã chặt bỏ vườn cao su, cà phê của gia đình để mở đường. Trò chuyện với chúng tôi, ông A Nhoi nói: “Khi biết xã có chủ trương mở đường qua xóm mới, gia đình mình nhất trí hiến đất làm đường. Mặc dù phải chặt bỏ cao su, cà phê, mọi người đều rất tiếc, nhưng để con cháu mình và bà con có đường đi lại thuận lợi, mình thiệt thòi một chút chẳng sao”. Ông A Nhoi còn cho biết thêm, vườn cao su của gia đình ông đã thu hoạch gần 10 năm nay, còn vườn cà phê cũng đã 3 năm cho thu hoạch.
Rời nhà ông A Nhoi, chúng tôi tìm đến nhà anh A Hit (36 tuổi), người hiến gần 100 m2 đất để mở đường. Trong diện tích đất đã hiến, anh A Hít phải chặt bỏ một số cây cà phê, mít, chuối. Anh A Hít cười hiền: “Nhà mình có 5 đứa con, 3 đứa lớn hơn đã đi học. Từ trước đến giờ chưa có đường, bà con phải sử dụng lối mòn chật hẹp. Mỗi lần mưa xuống, các hộ dân ở đây phải đi vòng xa lắm. Khi biết nhà nước đầu tư làm đường bê tông, gia đình rất vui mừng và hiến đất ngay thôi.”
Trưởng thôn A Xuất cho biết thêm, do đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất làm đường vào xóm mới, các hộ A Khun, A Dok, A Nhoi, A Hit được huyện và tỉnh khen thưởng. Riêng ông A Nhoi còn được UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen.
Bên cạnh việc hiến đất mở đường vào xóm mới, ở thôn Đăk Manh 2 còn nhiều hộ dân khác tự nguyện hiến đất làm đường đến khu sản xuất. Theo số liệu thống kê của UBND xã Đăk Rơ Nga, thôn Đăk Manh 2 có 10 hộ dân đã hiến tặng 1.200 m2 đất làm đường bê tông qua xóm mới; 10 hộ dân hiến 1.800 m2 đất làm đường nông thôn mới đến khu sản xuất thôn Đăk Pung và Đăk Manh 2.
Không chỉ ở Đăk Manh 2, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Xê Đăng ở thôn Đăk Dế (xã Đăk Rơ Nga) cũng tự nguyện hiến đất để làm đường đến nơi ở và khu sản xuất trong năm 2019. Đó là các gia đình Y Đon hiến 100 m2 đất làm đường bê tông trong thôn; A Noe và Y Thúi hiến gần 1.000 m2 đất mở đường lên khu sản xuất.
Bình luận (0)